Hơn 286 nghìn thí sinh “nói không” thi đại học
- Kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tại Hải Phòng
- Lo ngại quá tải chỗ trọ, nghẽn mạng tại Cụm thi THPT quốc gia khu vực ĐBSCL
Thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 81.770, chiếm 9%. Nhìn vào số lượng gần 300 ngàn thí sinh “nói không” với thi ĐH trong năm 2016, các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ đã có sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc lựa chọn ngành nghề cho tương lai.
Dẫn đầu 63 tỉnh, thành trên cả nước về số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 chỉ để xét tốt nghiệp là Hà Nội với gần 17 nghìn thí sinh. Nếu so với năm 2015, số thí sinh không thi ĐH, CĐ của Hà Nội tăng hơn 1.000 em.
Các bạn trẻ có nhiều con đường vào đời chứ không riêng thi đại học. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng |
Nguyên nhân khiến số lượng thí sinh không thi ĐH tại Hà Nội tăng là do công tác phân luồng, hướng nghiệp được các trường THPT trên địa bàn chú trọng; nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc chọn ngành nghề trong tương lai cũng đã có những thay đổi theo hướng phù hợp hơn với năng lực của người học cũng như nhu cầu của thị trường lao động.
Điều đáng nói là không chỉ Hà Nội, số liệu thống kê từ nhiều địa phương trên cả nước cũng cho thấy, có tới gần 70% thí sinh đăng ký dự thi chỉ ở các cụm địa phương, có nghĩa là các em không dự thi với mục đích xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Tại Hòa Bình, có 5.600 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp/8.100 thí sinh dự thi THPT quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 70%, tăng 10% so với năm 2015. Còn theo thống kê của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, năm 2016, toàn tỉnh có 69,1% thí sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, tăng 14% so với năm 2015.
Tại tỉnh Lào Cai, có trên 6.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016, trong đó có tới 3.199 thí sinh chỉ đăng ký dự thi với mục đích xét tốt nghiệp, chiếm hơn 50%... Đặc biệt, là địa phương có truyền thống hiếu học với phương châm “vào ĐH để thoát nghèo” như tỉnh Nghệ An, năm 2016 cũng có tới 40% học sinh “nói không” với việc xét tuyển ĐH, CĐ.
Nhận định về con số hơn 280 nghìn thí sinh trên cả nước “từ chối” thi ĐH trong năm 2016, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Đây là dấu hiệu đáng mừng cho công tác phân luồng, hướng nghiệp của học sinh.
Tuy nhiên, công tác này cần thúc đẩy hơn nữa theo hướng phân luồng học sinh ngay từ sau bậc THCS, tức là sau khi học xong lớp 9 chứ không nên để đến sau khi tốt nghiệp lớp 12 như hiện nay. Thậm chí, ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, ngay khi hết tiểu học là đã phân luồng, chia nhánh để học sinh theo hướng vào ĐH, theo hướng vào CĐ kỹ thuật hay học nghề.
Trong quá trình đó, nếu học sinh theo hệ vào ĐH mà không duy trì được kết quả tốt thì bị chuyển xuống hệ dưới, và ngược lại học sinh ở hệ dưới mà có kết quả tốt thì được đưa lên hệ trên. Công tác dự báo nhân lực cũng được các quốc gia này chú trọng, tạo thuận lợi cho cả người học và các cơ sở đào tạo.
“Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong việc phân luồng và dự báo nhân lực. Tuy vậy, dự báo nhân lực là một việc đòi hỏi có sự vào cuộc của tập thể Chính phủ với sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành khác nhau chứ một mình ngành GD&ĐT không thể giải quyết được”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp tăng mạnh so với năm 2015. Ảnh minh họa |
GS. TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: Việc ngày càng có nhiều học sinh không lựa chọn vào ĐH là xu hướng tốt, chứng tỏ nhận thức về việc chọn nghề, hướng nghiệp của học sinh hiện nay đã bám sát hơn vào năng lực bản thân và cơ cấu ngành nghề thực tế. Trong đó, ĐH không còn là con đường duy nhất và phải “phổ cập” bằng mọi giá...
Tuy nhiên, ông Dong cũng cho rằng, việc phân luồng sau bậc THPT, tức là sau khi tốt nghiệp lớp 12 như hiện nay là quá trễ. “Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu, tiếp thu đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tiến hành phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp THCS, các em sau khi tốt nghiệp lớp 9 sẽ được chia thành 2 luồng, luồng lên học THPT và luồng đi vào học nghề.
Trong đó, luồng theo học nghề sẽ ra trường sớm hơn, đi làm sớm hơn mà vẫn được học lên cao khi có nhu cầu nên sẽ là sự lựa chọn tốt cho nhiều học sinh có năng lực nhưng không đủ điều kiện để theo học ĐH, tiết kiệm cả cho học sinh và đất nước”.