Hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo môn học mới
- Nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông
- Tăng tính ứng dụng thực tiễn trong nhiều môn học mới
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học và hoạt động giáo dục đều thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Ba điểm mới nhất của chương trình là: thực hiện dạy học phân hóa để phát huy tiềm năng, sở trường của người học; thực hiện dạy học tích hợp để gắn kết các lĩnh vực với nhau, gắn kết lý luận với thực tiễn; thực hiện dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học để phát triển phẩm chất và năng lực một cách vững chắc.
Ở môn Tiếng Việt/ Ngữ văn chú trọng các kỹ năng: đọc, viết, nghe và nói, tập trung giáo dục kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng tạo dựng các văn bản khác nhau cần thiết trong cuộc sống; nâng cao văn hóa đọc và chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc đưa vào chương trình, còn các tác phẩm văn học khác nằm trong phụ lục để các nhóm tác giả viết sách giáo khoa (SGK), các nhà trường, giáo viên, học sinh lựa chọn.
Tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình mới giúp học sinh phát triển toàn diện. |
Môn Toán học sẽ chú trọng tính ứng dụng, cho phép học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào thực tiễn, tạo dựng kết nối giữa toán với các môn học, đặc biệt các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM.
Môn Giáo dục công dân, cấp tiểu học (gọi là môn đạo đức) sẽ chú trọng giáo dục phẩm chất, hành vi, kỹ năng qua các tình huống gần gũi với cuộc sống; cấp THCS giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân, hành vi ứng xử cần thiết để chung sống, giáo dục pháp luật; cấp THPT giáo dục kinh tế và pháp luật: đây là môn tự chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, cung cấp kiến thức nền tảng, cần thiết về kinh tế, pháp luật.
Môn Tự nhiên và xã hội (lớp 1, 2, 3): Chương trình bao gồm 6 chủ đề là gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội trên cơ sở giáo dục giá trị và kỹ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khỏe, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở mức độ đơn giản và phù hợp.
Lịch sử và địa lý (lớp 4, 5): Về lịch sử, không theo tính lịch đại, chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, của quốc gia, khu vực, của một số giai đoạn lịch sử. Về địa lý, mỗi vùng miền, quốc gia, khu vực chỉ lựa chọn một số kiến thức địa lý tiêu biểu, đặc trưng cho từng vùng.
Ở cấp THCS: Mạch kiến thức của lịch sử và địa lý được tích hợp ở mức độ đơn giản, sắp xếp gần nhau. Nội dung lịch sử trong chương trình mới ở trung học cơ sở lấy trục lịch đại (thời gian làm trục xuyên suốt). Mỗi giai đoạn lịch sử thiết kế nội môn theo mô hình: thế giới - khu vực - Việt Nam - lịch sử địa phương. Phần lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình.
Ở cấp THPT, chú trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp, giúp phân luồng giáo dục hiệu quả |
Ở cấp THPT, môn Lịch sử và Địa lý được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn khoa học xã hội. Môn Lịch sử thông qua hệ thống các chủ đề và chuyên đề về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, môn lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực sử học, đặc biệt là tư duy lịch sử, các khả năng thu thập và xử lý dữ liệu. Môn Địa lý phần thực hành chiếm 50% thời gian thực học của chương trình…
Môn Vật lý (THPT), tránh khuynh hướng thiên về toán học. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp.
Môn Hóa học (THPT) giảm bớt và hạn chế các nội dung phải ghi nhớ máy móc cũng như phải tính toán theo kiểu "toán học hóa", ít đi vào bản chất hóa học và thực tiễn.
Môn Sinh học (THPT) đề cao tính thực tiễn, thực hành, kết hợp học trên lớp với hoạt động ngoại khóa trong môi trường tự nhiên và xã hội.
Môn Tin học: Gồm giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp:
- Ở tiểu học, học sinh chủ yếu học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập và sử dụng thiết bị kỹ thuật số.
- Ở trung học cơ sở, học sinh học sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng làm ra các sản phẩm phục vụ học tập và sinh hoạt; thực hành phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
- Ở THPT, tổ chức các chủ đề bắt buộc và chủ đề lựa chọn theo định hướng tin học ứng dụng hoặc theo định hướng khoa học máy tính.
Môn Công nghệ: Giúp học sinh học tập và làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội. Học tập dựa trên hành động, trải nghiệm; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Giáo dục thể chất: Đây là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường.
Âm nhạc và mỹ thuật: Hướng đến các hoạt động trải nghiệm, vận dụng, thực hành ở nhiều môi trường học tập đa dạng.
Hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp: Hoạt động phát triển cá nhân; Hoạt động lao động; hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng và hoạt động giáo dục hướng nghiệp.