Học tiếng Anh: Chất lượng hệ 10 năm tốt hơn hệ 7 năm

Thứ Hai, 22/07/2019, 09:20
Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.


Báo cáo tại tọa đàm, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ năm 2017 đến năm 2019 cho thấy, điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5,0, mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3,0 đến 3,4. Kết quả thi này có sự phân hoá theo vùng miền. 

Trong khi những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang… nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước, thì những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại đứng đầu. 

Điểm trung bình của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều từ 5-6, cao hơn mức chung của cả nước. Tỷ lệ điểm dưới trung bình, điểm từ 8 trở lên cũng có sự phân hoá theo địa phương.

“Nhìn chung, kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh cả nước năm 2019 đã có chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu vẫn ở các tỉnh/thành phố lớn, khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long gần như không thay đổi” - ông Hồng nói.

Nhìn nhận phổ điểm thi THPT quốc gia từ góc độ hệ đào tạo, ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Hiện nay vẫn đang tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3), hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn học sinh hệ 7 năm. 

“Như vậy, vấn đề khác biệt hệ đào tạo là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng học sinh không đồng đều, kết quả thi không đồng đều. Vấn đề đặt ra là phải triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm rộng khắp hơn” - ông Giang nêu ý kiến.

Tuy vậy, ông Giang cũng cho rằng: Để triển khai được rộng khắp hệ 10 năm, cần một đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khi thực tế chất lượng giáo viên hiện nay rất không đồng đều, ở những tỉnh khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế. Hiện đang có xu hướng giáo viên dạy tiếng Anh giỏi ở các vùng khó khăn sau một thời gian công tác sẽ chuyển về những thành phố lớn, có điều kiện tốt hơn. 

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cho cũng biết: Theo khảo sát, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh học hệ 10 năm cao hơn học sinh hệ 7 năm xấp xỉ 2 điểm. 

Do vậy, ngoài việc xây dựng và chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non với mục tiêu trẻ em càng được tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm sẽ càng tốt. 

Hùng Quân
.
.
.