Đề thi Ngữ văn không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ

Thứ Hai, 25/06/2018, 13:31
Sáng ngày 25-6, hơn 900 nghìn thí sinh trên cả nước đã chính thức làm bài thi môn Ngữ văn với thời gian 120 phút. 


Theo nhận định của các giáo viên, đề thi bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về cách đặt vấn đề cũng như sự đổi mới trong cách thức ra đề thi.

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng: Về cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố vào tháng 1-2018, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. 

Trong đó, lượng kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% và lớp 12 chiếm khoảng 70% trong câu nghị luận văn học. Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản thơ, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.

Thí sinh cũng nhận định khác nhau về đề thi môn Ngữ văn sáng 25-6

Riêng phần làm văn có hai câu hỏi, một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết. 

Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm; số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước. 

“Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú”- cô Phương nhấn mạnh.

Mặc dù khẳng định đề thi có những đổi mới, điều chỉnh, không tạo ra lối mòn nhưng các giáo viên môn Ngữ văn của Trung tâm Hocmai vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cách đặt vấn đề trong nội dung đề thi. 

Theo các giáo viên tổ Ngữ văn, vấn đề đọc hiểu đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” -một đoạn thơ từ thập kỉ 80- không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước. 

Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có vấn đề bởi xét đơn thuần ở tính logic của câu hỏi thì đây là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên”. 

Tuy nhiên, câu hỏi sẽ phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh. Điều này sẽ giúp học sinh có thể trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.

Riêng câu 2 phần nghị luận văn học đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. 

Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghị luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu: Khi tạo ra mối quan hệ so sánh đối chiếu giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu… Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm bài làm của học trò.

Huyền Thanh
.
.
.