Giáo viên nhận xét về đề thi môn Khoa học xã hội
Đề thi Giáo dục công dân: Câu hỏi “khó” gắn với tình huống thực tiễn
Nhận định về đề thi môn Giáo dục công dân, các giáo viên của hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Đề xuất hiện nhiều tình huống thực tiễn, phát huy được điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm.
Về phạm vi, đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK phổ thông lớp 12, các vấn đề và nội dung câu hỏi đều nằm trong phạm vi chương trình. Nhìn chung, đề thi được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, bám sát mục tiêu của kì thi THPT quốc gia là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch.
Sự phân bổ mức độ câu hỏi cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi đầu ở mức độ cơ bản thuộc các vấn đề: Công dân với các quyền tự do cơ bản; pháp luật và đời sống; thực hiện pháp luật…. Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt là 4 câu cuối cùng có độ khó hơn hẳn dùng để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh.
Về cơ bản, giữa các mã đề có sự lặp lại các câu hỏi khó nhưng có sự điều chỉnh thứ tự câu hỏi. Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi “khó”, “lạ”, là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9, 10.
Riêng với đặc thù môn Giáo dục công dân, các câu hỏi có tính phân loại thường rơi vào các tình huống thực tiễn, các vấn đề liên quan đến thực hành pháp luật như các câu 117, 118, 119 và 120 của các mã đề. Các câu hỏi này là các tình huống rất gần gũi, thú vị với các em học sinh: vấn đề hôn nhân gia đình (câu 117, mã đề 303); vấn đề an toàn giao thông (câu 117 mã đề 311); vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội (câu 110-mã đề 303); vấn đề bầu cử, ứng cử (câu 119 mã 304)…
Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi có tính quốc gia đã góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội với môn học vốn bị coi là “phụ” này, đồng thời cho thấy Bộ thực sự đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh một cách toàn diện.
Đề thi môn Lịch sử: Hay, khoa học và bao quát
Nhận xét đề thi môn Sử, cô Lê Thị Thu, giáo viên phụ trách môn Lịch sử của Tuyensinh247.com cho rằng: Nhìn chung, Đề thi THPT Quốc gia năm 2017 môn Lịch sử được công bố vào sáng ngày 24/6/2017 là một đề hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, nhằm phân loại chất lượng học sinh. Tuy nhiên, số lượng các câu hỏi ở mức độ vận dung chưa nhiều trong đề thi. Vì thế, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm được 7 điểm dễ dàng.
Đề thi bao gồm 40 câu được chia làm hai phần nội dung, phần Lịch sử thế giới bao gồm 12 câu (chiếm 30%), phần Lịch sử Việt Nam bao gồm 28 câu (chiếm 70%). Năm 2017 là năm đầu tiên môn Lịch sử được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm.
Nhìn chung, đề thi môn Lịch sử kì thi THPT Quốc gia được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và vận dụng cao được xây dựng khá khoa học. Nội dung cơ bảnđược trải đều trong các chủ đề lịch sử, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất.
Trong đó, nội dung phần Lịch sử thế giới(1945-2000) đã bám sátđược nội dung quan trọng và các sự kiện tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế: Chiến tranh lạnh, phong trào giải phóng dân tộc, cách mạng Khoa học- công nghệ, Liên Hợp Quốc,…
Đặc biệt, chủ đề phong trào giải phóng dân tộc (châu Á, châu Phi) và Liên Hợp Quốc đều chiếm 2 câu (10% đề thi). Ngoài ra, đề thi còn đảm bảo tính đầy đủ với một số câu hỏi có nội dung về quốc gia, khu vực: Mĩ, Nhật, Liên Xô.
Phần lịch sử Việt Nam với số lượng câu hỏi là 28 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó, Giai đoạn từ 1919 -1945: chiếm 13 câu (32% đề thi) đề cập đến các vấn đề về các đảng phái chính trị, vai trò của Đảng và và các cao trào cách mạng. Giai đoạn này được chú trọng, xoáy sâu vào mức độ hiểu và vận dụng của học sinh. Giai đoạn 1945 -1975: số lượng câu hỏi được tập trung ở giai đoạn 1945 -1975 chiếm 12 câu (30% đề thi).
Nội dung các câu hỏi đề cập đến những vấn đề chủ chốt như: âm mưu của Pháp và Mỹ với các chiến lược chiến tranh: “chiến tranh đặc biệt”,“chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”; chủ trương của Đảng; các chiến dịch quân sự lớn (Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh)...
Đồng thời cũng có sự so sánh giữa các nội dung trong cùng một chủ đề. Đây là giai đoạn trọng tâm với nhiều kiến thức khó, nhiều kiến thức có ảnh hưởng quốc tế lớn. Chính vì thế, các em học sinh trong quá trình học tập và ôn luyện cần nắm vững kiến thức để đạt được điểm cao. Giai đoạn 1975 -2000 chiếm 3 câu (7.5 % đề thi)tập trung vào vấn đề đổi mới và thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Đề thi Địa lý: Phân loại học sinh rõ ràng hơn
Về môn Địa lý, cô Bùi Thị Hương Thu-Giáo viên môn Địa lý của Trung tâm Tuyensinh247 cho biết: Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý 12 với đầy đủ các phần lý thuyết ( kiến thức Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế) và kỹ năng (kỹ năng làm việc với biểu đồ, bảng số liệu và kỹ năng làm việc với Atlat).
So với đề các đề thử nghiệm, đề thi chính thức THPTQG môn Địa lý, câu hỏi cũng có sự phân hóa ở 4 mức ( nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao). Phần kiến thức cơ bản(nhận biết, thông hiểu) chiếm khoảng 60%.
Các câu bài tập bảng số liệu, biểu đồ và vận dụng Atlat không khó, những câu vận dụng cao rơi vào phần kiến thức ngành, vùng kinh tế như câu 76,77,78… Tuy nhiên, đề thi lần này khá hay và có khả năng phân loại học sinh rõ ràng hơn.
“Nhìn chung, đề thi chính thức THPTQG môn Địa lýcủa Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung tương đối cơ bản, hầu hết học sinh sẽ qua được điểm liệt, học sinh trung bình có thể làm được những câu đọc kiến thức Atlat, những câu kiến thức cơ bản; không khó để học sinh khá làm được 8 -8,5 điểm; học sinh giỏi có thể đạt điểm 10 tuyệt đối”-cô Hương đưa ra nhận định.
Đề thi môn Khoa học xã hội không còn nặng về “học thuộc”
Sáng 24-6, buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi THPT, môn Giáo dục công dân được đưa vào thi tốt nghiệp và môn Lịch sử, Địa lý được thi theo hình thức trắc nghiệm. Theo thống kê của Bộ GD& ĐT, cả nước có hơn 430.000 thí sinh chọn thi môn giáo dục công dân, gần 500.000 thí sinh chọn môn địa lý, 513.000 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử.
Năm 2017 là năm đầu tiên môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân được thi theo hình thức trắc nghiệm nên trước khi bước vào phòng thi, hầu hết thí sinh đều hồi hộp, lo lắng vì không biết đề thi sẽ thế nào. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc bài thi Khoa học xã hội, rất nhiều thí sinh tỏ ra phấn khởi vì đề thi “vừa sức”.
Nhận xét chung về đề thi các môn Khoa học xã hội, thí sinh Lê Anh Tú, trường Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) cho biết: “Đề thi có kiến thức cơ bản, nằm trong chương trình học mà chúng em được ôn tập kỹ trên lớp. Em khá thích thú với cách thi trắc nghiệm như năm nay. Đơn cử như với môn Lịch sử, các câu hỏi không ra dạng hỏi về thời gian hay số liệu, mà chủ yếu là những nội dung cơ bản đã học ở lớp nên em làm được. Hay như môn Địa lý, chủ yếu ra những nội dung về kinh tế vùng và từ kiến thức atlat chứ không phải nhớ số liệu. Còn môn Giáo dục công dân đều có những câu hỏi từ thực tế đời sống. Các môn đều không nặng học thuộc mà đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất của sự kiện, vấn đề, phải có tư duy”.
Thí sinh Bùi Lan Anh, học sinh trường THPT Quang Trung (Hà Đông) cũng cho rằng: “Em theo Ban Khoa học xã hội nên em làm được khoảng hơn 80% câu hỏi. Trong số 3 môn thì môn Giáo dục công dân và môn Địa lý dễ đạt điểm cao hơn, môn Lịch sử có một số câu tương đối khó nên chắc điểm sẽ thấp hơn một chút. Tuy vậy, em vẫn thích thú với trắc nghiệm môn Lịch sử, số lượng các câu hỏi thông hiểu rất nhiều, từ một sự kiện lịch sử, buộc học sinh phải suy nghĩ, tư duy để tìm ra câu trả lời chính xác. Với cách thi như thế này, chắc chắn học sinh sẽ bớt “ngại ngần” với môn Lịch sử hơn”.