Tuyển sinh đại học 2020:

Giảm tỷ trọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Thứ Bảy, 16/05/2020, 10:04
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2020, các trường ĐH trên cả nước đã lần lượt công bố phương án tuyển sinh.

Đáng chú ý, hầu hết các trường ĐH vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tuy nhiên, tỷ trọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm so với năm 2019 do lo ngại độ phân hóa của đề thi không cao.

Chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm xuống còn 20-60%

Năm 2020, các trường CAND  không tổ chức kỳ thi riêng mà vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Các tiêu chuẩn về học lực, chính trị, sức khỏe cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Tương tự, theo thông báo của Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc Phòng, các trường Quân đội cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà  không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Các trường ĐH khối dân sự cũng tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển nhưng giảm dần tỷ trọng so với năm 2019. Trong đó, cá biệt có những trường giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp xuống chỉ còn 20%.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ đối soát điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ của thí sinh

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh như năm 2019, nhằm đảm bảo tính ổn định cao nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, trường chỉ xét tuyển khoảng 60% chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 40% chỉ tiêu còn lại dành tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp với đề án tuyển sinh riêng của trường, trong đó có việc xét tuyển học bạ đối với học sinh giỏi các trường THPT chuyên trên toàn quốc. Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống với tỉ lệ 50-60% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh. 

Ngoài ra, nhà trường còn bổ sung thêm hình thức thi riêng (bằng 1 bài kiểm tra tư duy) kết hợp với xét tuyển điểm thi tốt nghiệp để tuyến sinh khối ngành kỹ thuật và kinh tế với khoảng 30-35%. Số chỉ tiêu còn lại (khoảng 15%), trường dành cho việc xét tuyển tài năng đối với học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh trở lên, học sinh các trường THPT chuyên, học sinh có chứng chỉ quốc tế và học sinh xuất sắc trong các lĩnh vực khác.

Trường ĐH Ngoại thương cũng tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu, các chỉ tiêu còn lại nhà trường chia đều cho các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường THPT chuyên, học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, học sinh được tuyển thẳng. 

Học viện Tài chính cũng dành 50% chỉ tiêu để tuyển thẳng học sinh giỏi bậc THPT theo học bạ, học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế; 50% chỉ tiêu còn lại trường xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020. ĐHQG Hà Nội cũng tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 nhưng ngoài phương thức này, còn có phương thức xét tuyển kết hợp đối với học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt ngưỡng quy định. Học viện 

Báo chí và Tuyên truyền vẫn xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng nhà trường ưu tiên bổ sung chỉ tiêu xét tuyển đối với các phương thức khác như xét tuyển học sinh giỏi, học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, trong đó xét tuyển học sinh giỏi qua học bạ THPT chiếm khoảng 30%. Một số trường ĐH tại TP HCM như ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghiệp thực phẩm… đều giảm mạnh tỷ trọng xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn khoảng 20-40%, số chỉ tiêu còn lại nhà trường dành cho các phương thức xét tuyển khác. Lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, việc giảm tỷ trọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chủ yếu do lo ngại mức độ phân hóa trong đề thi tốt nghiệp không cao, toàn bộ quy trình tổ chức thi, chấm thi sẽ giao cho các địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm.

Sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường trong đăng ký xét tuyển và lọc ảo

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh phân tích: Về cơ bản quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 không có thay đổi nhiều so với các năm trước ở một số điểm như quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH được tôn trọng, là kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh Luật Giáo dục có hiệu lực, quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe vẫn được giữ. 

Điểm khác biệt lớn nhất là việc điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi và các trường chỉ được gọi thí sinh trúng tuyển khi có xác nhận kết quả tốt nghiệp THPT. Như vậy, năm nay sẽ có 4 nhóm thí sinh gồm thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT, nhóm này sẽ được Hiệu trưởng trường THPT cấp giấy chứng nhận. Nhóm hai những thí sinh có đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Nhóm 3 là những thí sinh có dự thi tốt nghiệp nhưng không dùng để đăng ký xét tuyển. 

Nhóm 4 là những thí sinh tự do, nhóm này sẽ tham gia nhiều phương thức xét tuyển của các trường. Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn là cơ sơ để các trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả để tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường chỉ có thể thực hiện được với điều kiện Bộ GD&ĐT đưa ra cam kết hỗ trợ đăng ký xét tuyển và lọc ảo. Nếu không có 2 yếu tố này, các trường sẽ rất khó trong việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Sau khi phân tích các thuận lợi, khó khăn phát sinh, với quan điểm cố gắng tối đa đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, công bằng, khách quan, trung thực, nhất là quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH và thí sinh trong công tác tuyển sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo như năm 2019. 

Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng, nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành/trường mình mong muốn. Việc lọc ảo tốt sẽ giúp các trường có khả năng tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu để đảm bảo hoạt động đào tạo chung của nhà trường. 

Đối với một số cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các trường tốp trên tổ chức thi riêng để tuyển sinh cho trường mình hoặc theo nhóm trường, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có giải pháp hỗ trợ việc tổ chức thi, đăng ký xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường. Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐTsẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.

Huyền Thanh
.
.
.