Tuyển sinh đại học 2020: Sẽ có chế tài chặt chẽ hơn đối với các trường vi phạm

Thứ Sáu, 14/02/2020, 07:13
Chiều 13-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học (ĐH) chính quy, trình độ cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non chính quy tại 7 điểm cầu cả nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT cho biết: Kết quả đạt được của tuyển sinh 3 năm qua cho thấy, quy chế tuyển sinh ngày càng hoàn thiện, ít thay đổi, ứng dụng công nghệ tốt hơn, giúp cho các trường chủ động hơn trong tuyển sinh.

Quyền tự chủ tuyển sinh tốt hơn, tuyển sinh theo nhóm ổn định hơn, có sự phối hợp tốt trong hệ thống; điểm đầu vào ngày càng cao hơn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. 

Tuy vậy, bà Phụng cũng thừa nhận, công tác tuyển sinh 2019 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp đạt 63,89% so với số trúng tuyển, có thể do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống.

Tuyển sinh ĐH năm 2020 sẽ tiếp tục khắc phục những bất cập gây bức xúc dư luận. (Ảnh minh họa)

Một số trường ĐH lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố. Nhiều trường xây dựng tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo, gây dư luận không tốt. 

Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp dẫn đến một số ngành chỉ có một vài thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp. Do đó, một số trường quyết định không thực hiện theo thông báo, dừng tuyển sinh để thí sinh trúng tuyển nguyện vọng tiếp theo... nhưng lại không trao đổi với các cơ quan có liên quan để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Thông tin thêm về kế hoạch tuyển sinh năm 2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo về Quy chế tuyển sinh năm 2020. 

Điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh là sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non để dễ tra cứu, áp dụng. 

Bên cạnh đó, sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.

Đặc biệt, sẽ có quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện tự chủ ĐH… 

Ngoài ra, từ năm 2020, Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp; trình độ CĐ chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Tuyển sinh năm 2020 sẽ giữ ổn định. Từ năm 2021-2025 là giai đoạn tiếp theo Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT. 

Các trường ĐH được chủ động hơn trong phương thức tuyển sinh. Vì thế các cơ sở đào tạo có thể xây dựng các phương án tuyển sinh phù hợp, sát hơn với mục tiêu đào tạo của mình.

Huyền Thanh
.
.
.