Giảm giá sữa học đường, chất lượng liệu có đảm bảo?
Bố trí giờ uống sữa không trùng với bữa ăn phụ
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm ngày 7-1, chương trình sữa học đường đã được triển khai đồng loạt tại các trường tiểu học trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy vậy, nhiều trường học vẫn tiếp tục tiếp nhận thêm các trường hợp phụ huynh có nguyện vọng đăng ký cho con mình tham gia chương trình sữa học đường bởi các đợt đăng ký trước đó, chưa có thông tin chính xác về hãng sữa và sản phẩm sữa học đường nên nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự yên tâm đưa ra quyết định.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), có khoảng gần 80% học sinh đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường. Theo bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng, do sĩ số học sinh của trường năm nay khá lớn với hơn 3.500 học sinh nên việc bố trí đội ngũ phục vụ vận chuyển sữa tới từng lớp cũng được nhà trường tính toán kĩ.
Trường nhập sữa một tuần 2 đợt, mỗi đợt khoảng hơn 7.000 hộp sữa nên cũng phải bố trí kho chứa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, để tránh ảnh hưởng đến bữa ăn phụ của các con ở trường vào đầu buổi chiều, nhà trường đã thống nhất với đông đảo phụ huynh cho trẻ uống sữa vào giữa buổi sáng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Để không ảnh hưởng đến những học sinh vì nhiều lý do khác nhau không tham gia chương trình sữa học đường, nhà trường cho các con uống sữa trong giờ ra chơi buổi sáng. Bạn nào uống sữa ở lại lớp uống, còn bạn nào không uống sữa thì ra sân tham gia các hoạt động vui chơi chung của nhà trường do giáo viên chủ nhiệm và Tổng phụ trách điều hành.
Còn tại một số trường như Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Trường Tiểu học Phú Lương (Hà Đông)..., nhà trường cho các con uống sữa lúc 4 giờ chiều để không ảnh hưởng đến bữa ăn phụ lúc 2 giờ 30.
Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh hào hứng với chương trình sữa học đường. (Ảnh minh họa). |
Chất lượng có bị giảm để tương ứng với giá thành?
Theo Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 về mua sữa thuộc chương trình Sữa học đường, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị trúng thầu, với tỉ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23%. Mức hỗ trợ này cao hơn so với mức mời thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội là 3%.
Đơn giá trúng thầu 1 hộp sữa 180ml là 6.286 đồng thay vì 6.800 đồng như dự kiến tối đa ban đầu. Như vậy, với cơ cấu ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 23%, phụ huynh đóng góp 47%, mức giá mà phụ huynh phải chi trả cho mỗi hộp sữa học đường chỉ rơi vào khoảng gần 3.000 đồng/hộp 180ml.
Nhiều phụ huynh cho rằng, đây là mức giá khá phù hợp trong khi thành phần trong mỗi hộp sữa được quảng cáo có phần nổi trội hơn so với sữa cùng loại của hãng được bán trên thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp cung cấp sữa cũng cam kết, sẽ giao sữa đến trường trước thời hạn 4 tháng, trong đó nhà trường được đổi sữa miễn phí trong thời hạn 3 tháng.
Ngoài ra, nếu so với sữa tươi cùng loại của Vinamilk đang được bán trên thị trường thì sữa học đường có một vài khác biệt. Cụ thể, ngoài việc có thêm logo riêng, hạn sử dụng của sữa học đường là 8 tháng, dài hơn 2 tháng so với sữa trên thị trường; thành phần dinh dưỡng cũng được ghi ngoài bao bì chi tiết hơn. Riêng 3 chất là vitamin D3, canxi và sắt, hàm lượng có tăng nhẹ so với sữa bán trên thị trường.
Trước băn khoăn của phụ huynh về việc liệu chất lượng thực sự của sản phẩm có bị hạ xuống để tương ứng với giá thành, tại đợt tập huấn về sữa học đường do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Vinamilk tổ chức, đại diện của Vinamilk cho biết: Với chương trình Sữa học đường của Hà Nội, Vinamilk đã và đang làm những gì tốt nhất có thể cho học sinh Thủ đô nên không đặt yếu tố thương mại gì trong chương trình này và mong muốn chung tay vì một Việt Nam vươn cao.
Cũng theo Vinamilk, sở dĩ doanh nghiệp trợ giá cho chương trình lên tới 23% là do tại khu vực Hà Nội có hệ thống nhà máy, kho vận tương đối tiện lợi nên có thể tiết giảm được giá thành vận chuyển.