Dồn sức chống bão số 9
Dự báo tối và đêm nay, bão số 9 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận – Bến Tre. Mưa lớn sẽ lan ra cả khu vực Trung Trung Bộ. Các tỉnh đang dồn mình chống bão.
- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển/ Hướng dẫn tàu đánh cá của ngư dân Bình Định, Phú Yên phòng tránh bão Sanba/ Sản phụ sinh con khi đi tránh bão/ Sơ tán khẩn hơn 400.000 người tránh bão Con Voi
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, trong 6 giờ qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, ở huyện đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 8.
Lúc 7h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo đường đi của bão số 9 |
Trong 12 giờ tới, dự báo bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Tốc độ phụ thuộc nhiều yếu tố, nếu bão suy yếu nhanh thì khi cập bờ ở cấp 7, còn chậm hơn sẽ ở cấp 8, giật cấp 10...
Dự báo, tối và đêm nay bão số 9 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận - Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là trọng tâm của gió mạnh. Khu vực Nam Bộ được cảnh báo có nguy cơ xảy ra dông mạnh và lốc xoáy.
Mưa lớn xảy ra cao điểm chiều và đêm nay. Tại TP.HCM dự kiến có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy, nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Người dân huyện Cần Giờ, TP HCM chằng thuyền chống bão số 9. Ảnh: vnn.vn |
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cũng dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên sau khi bão vào thì trọng tâm mưa lớn là ở Trung Trung Bộ, trong đó ở Bình Định - Bắc Phú Yên 2 ngày tới mưa rất lớn với lượng mưa từ 500-600mm.
Từ nay đến 27-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
* Hơn 4.000 dân huyện Cần Giờ, TP HCM sơ tán tránh bão
Vietnamnet dẫn lời Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho biết, địa phương đã triển khai kế hoạch ứng phó với cơn bão số 9.
Huyện Cần Giờ có 4.000 người dân ở vùng úng, trũng thấp, trong đó 2.400 dân ở vùng rất nguy hiểm, được yêu cầu dời tới 28 địa điểm an toàn.
Toàn bộ hoạt động ngư trường, tham gia đánh bắt hải sản với 803 tàu của TP.HCM, trọng điểm là huyện Cần Giờ, đã được đưa vào khu neo đậu...
Lúc 8h20, tại trường THCS Long Hòa (huyện Cần Giờ), hơn 100 bà con cũng đã tới để tránh bão số 9. Chính quyền chuẩn bị sẵn thức ăn, bánh mì, cắt cử nhân viên y tế chăm sóc cho người dân.
Người già, trẻ em được sơ tán tránh bão. Ảnh: Vietnamnet |
* Gần 2 triệu học sinh TP Hồ Chí Minh được nghỉ học để tránh bão
Sáng 24-11, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP. HCM thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TP. HCM đề nghị tất cả các trường học các cấp ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác bắt đầu từ 12h ngày 24-11 để tránh bão số 9.
Theo chỉ đạo các nhà trường cần phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh để đảm bảo an toàn. |
Trước đó, chiều ngày 23-11, Sở GD-ĐT TP. HCM cũng đã có văn bản chỉ đạo tới các trường học THPT, THCS và các cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 9 và mưa lũ có thể đổ bộ trực tiếp vào thành phố.
Trong văn bản của Thường trực Thành uỷ cũng nhấn mạnh, các trường cần phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh để đảm bảo an toàn. Nhà trường chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lực lượng, phân công kiểm tra, bảo vệ hệ thống, thiết bị, cơ sở vật chất trường học và xử lý mọi tình huống khi bão di chuyển.
* Các tỉnh miền Tây dồn sức chống bão
Tỉnh Tiền Giang:
Chiều 23-11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng một số ngành chuyên môn đã kiểm tra thực tế công tác ứng phó cơn bão số 9, dọc theo tuyến đê biển thuộc xã Phú Tân và điểm xung yếu thuộc xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông).
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhắc nhở các ngành chức năng và các địa phương ven biển phải tăng cường công tác ứng phó, bảo vệ các tuyến đê xung yếu của khu vực ven biển; túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng xử lý tình huống khi trường hợp bão đổ bộ.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra kè biển tại Tân Phú Đông. |
Lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã kêu gọi toàn bộ 374 phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn; khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.
“Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển phía Đông cần đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ trong thời gian bão diễn ra và thực hiện những giải pháp khẩn cấp như: Kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm tàu thuyền và phương tiện ra khơi; nhân dân khu vực ven biển khẩn trương chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.
Tàu thuyền của người dân neo đậu an toàn, tránh bão. |
Tỉnh Trà Vinh:
Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, toàn tỉnh có 1.216tàu cá/4.864 ngư dân. Số tàu đang hoạt động trên biển là 109 tàu/463 ngư dân, còn lại neo đậu tại bến. Hiện tại có 54 tàu/309 ngư dân hoạt động xa bờ, 52 tàu/154 ngư dân (vùng biển Trà Vinh. Lực lượng chức năng đã liên lạc với tất cả các tàu hoạt động trên biển để thông báo tình hình, diễn biến của bão số 9 đến tất cả các chủ tàu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 9.
Trong đó, lực lượng chức năng kiểm điếm tàu thuyền, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu đang hoạt động trên biến, hướng dẫn các tàu thoát ra khu vực nguy hiểm của bão và không để tàu thuyền tiếp tục ra khơi.
Rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, công trình đê biển, kè biển, các công trình công cộng ven biển, sẵn sàng các phương án hộ đê, chuẩn bị tổt các phương án di dời, sơ tán dân, đặc biệt đối với các khu vực ven biển, ven sông lớn và cù lao…
TP Cần Thơ:
Tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cho biết đã chỉ đạo chính quyền, ngành chức năng các nơi phải khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm (trên các cồn, các cù lao, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, khu vực trũng thấp, các lồng bè nuôi thủy sản…).
Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản khi bão đổ bộ vào. Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão. Kiểm tra kỹ hệ thống lưới điện, đảm bảo an toàn, tránh sự cố về điện làm ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Sóc Trăng đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão. |
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất (thông báo cho người dân tạm thời ngưng xuống giống lúa Đông Xuân 2018-2019 để tránh thiệt hại do mưa lớn do bão gây ra). Chủ động tiêu nước chống úng ngập bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê kè đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố.
Đăc biệt, Chủ tịch UBND quận, huyện không đi khỏi địa bàn vào ngày thứ Bảy (24-11) và ngày Chủ nhật (25-11), theo dõi sát biễn biến bão số 9, chuẩn bị phương án bảo vệ dân và tài sản ở cấp độ bị ảnh hưởng theo phương châm “4 tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Tỉnh Sóc Trăng:
Chiều 24-11, ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay, tất cả các phương án phòng chống bão số 9 đã sẵn sàng. Ban Chỉ huy PCTT&TKCM tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung chuẩn bị ứng phó với bão số 9.
Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã và thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán, di dời dân. Bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển.
Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng). |
Chính quyền, đoàn thể, hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện... Hiện tỉnh Sóc Trăng còn 329 tàu đánh bắt thủy sản hoạt động ngoài khơi với 1.504 thuyền viên. Trong đó, có 211 tàu xa bờ, 28 tàu gần bờ.
“Cơ quan chức năng đã thông báo cho các tàu nắm thông tin về diễn biến của bão số 9 để chủ động tìm nơi tránh, trú an toàn. Theo dõi hướng di chuyển của bão số 9 và thông tin dự báo thời tiết thì bão đang di chuyển vào khu vực Bà Rịa- Vũng Tàu, có thể sẽ ảnh hưởng một phần của tỉnh Trà Vinh, còn Sóc Trăng có thể không bị ảnh hưởng nhưng tỉnh vẫn sẵn sàng các phương án ứng phó để không bị bất ngờ” - ông Hà Tấn Việt cho biết thêm.
Ghi nhận của chúng tôi tại Cảng Trần Đề, nhiều tàu thuyền được đưa vào neo đậu tại khu tránh bão nhưng vẫn còn nhiều tàu đánh cá loại lớn chưa vào. Không ít người dân chưa thật sự quan tâm đến cơn bão này vì “hôm bão số 16 vừa qua, nghe nói sẽ vào đây với sức gió rất mạnh nhưng cuối cùng không có gì” 0 một người dân ở ấp Mỏ Ó cho biết.
* Bến Tre khẩn trương chống bão
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri và huyện Thạnh Phú không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu.
Chủ động rà soát kế hoạch, phương án ứng phó bão cho phù hợp với tình hình thực tế, chuẩn bị sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi bão ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bến Tre nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi, chủ động ứng phó với cơn bão số 9. |
Thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17h, ngày 23-11, cho đến khi có thông báo mới. Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thành phố: quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền. Bố trí lực lượng giữ gìn ANTT, tránh để xảy ra cháy nổ, mất cắp tại các khu neo đậu gây thiệt hại về tài sản.
Tiếp tục thực hiện việc theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền; liên tục cập nhật thông tin, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Giao Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch, phương tiện vận tải trên sông, kênh rạch, các điểm du lịch ven biển, các cồn,…
Tuyệt đối không cho phương tiện xuất bến khi chưa đầy đủ các điều kiện về đảm bảo an toàn hoặc có sóng to, gió lớn tránh để xảy ra tai nạn. Riêng UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện ven biển, phải khẩn trương rà soát, hoàn thành phương án di dời, sơ tán dân, chủ động sơ tán dân nhằm đảm bảo an toàn.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cũng đã có công văn chỉ đạo các lực lượng thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện trực chiến 24/24, sẵn sàng ứng phó khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Công an tỉnh Bến Tre tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão của Công an các huyện, thành phố, đặc biệt là ba huyện biển là Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành và Thạnh Phú.
Tại các nơi kiểm tra, lãnh đạo Công an tỉnh nhắc nhở Công an các địa phương chủ động bảo vệ an toàn trụ sở cơ quan nhất là các kho tàng, nơi giam giữ can phạm, đồng thời bố trí lực lượng xuống các địa phương giúp dân gia cố nhà cửa và sơ tán đến nơi an toàn. Cũng trong sáng nay, Công an các huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra các bến tàu, cảng cá, hướng dẫn chủ phương tiện neo đậu tàu, ghe đảm bảo an toàn.