Đồng nhất hai loại văn bằng: Lo ngại “nhập nhằng” về chất lượng

Thứ Sáu, 01/12/2017, 08:13
Một trong những điểm mới đáng chú ý  trong dự thảo Luật Giáo dục đại học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến là hình thức đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học sẽ đổi thành đào tạo tập trung và không tập trung.

Hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng là chính quy và tại chức như quy định hiện tại. Mặc dù khẳng định đây là xu hướng tiến bộ mà hầu hết các nước đang thực hiện song nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực khi không kiểm soát được chất lượng đào tạo trên thực tế.

Tại khoản 2, Điều 6 về trình độ và hình thức đào tạo của Dự thảo Luật Giáo dục đại học quy định, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định điều kiện thực hiện các hình thức đào tạo và hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng. 

Trong khi đó, theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được chia theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên và cả hai hình thức đào tạo này đều được ghi rõ trên văn bằng.

Bằng đại học tới đây có thể sẽ không phân biệt chính quy và tại chức. Ảnh minh họa: CTV.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, đây là một cách làm đang khá phổ biến trên toàn thế giới, chúng ta có thể học hỏi và vận dụng. 

Thực tế cho thấy, việc học theo hình thức khác nhau, cấp bằng khác nhau sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Ví dụ như việc người ta đánh giá chỉ theo văn bằng, hoặc chuyện tuyển dụng sẽ rất lôi thôi và thiệt thòi cho người học hệ đào tạo tại chức. Do vậy, việc chuyển đổi sang hình thức đào tạo tập trung và không tập trung là phù hợp với xu hướng thế giới. Khi đó, văn bằng đại học chỉ còn được phân biệt theo xếp hạng bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại khá hay trung bình chứ không phân biệt là đại học tại chức hay đại học chính quy. 

Tuy vậy, điều này chỉ có thể thực hiện được khi các cơ sở giáo dục đại học áp dụng theo hình thức đào tạo tín chỉ thứ thiệt vì hệ thống này cho phép người học với nhiều điều kiện khác nhau được cùng học trong một lớp với chương trình giống nhau, cùng được đánh giá và kiểm soát chất lượng như nhau. 

Điểm khác biệt chủ yếu nằm ở thời gian đào tạo, người có điều kiện học tập trung thì có thể  3 năm xong 1 chương trình, còn người không có điều kiện học tập trung thì phải 7,8 năm mới xong chương trình.

Ông Khuyến cũng cho rằng, việc xã hội vẫn còn nghi ngại sẽ xảy ra tiêu cực khi đồng nhất hai loại văn bằng không phải không có cơ sở. Lý do là ở nước ta lâu nay, hệ chính quy và tại chức vẫn học theo hai chương trình khác nhau. Hệ chính quy thì quá trình đào tạo và kiểm soát chất lượng tương đối nghiêm túc, chặt chẽ, trong khi đó hệ vừa học vừa làm thì chương trình học bị cắt xén bớt, việc đánh giá cũng lỏng lẻo hơn. 

Thậm chí, tuyển dụng tại chức đôi khi lại được coi là "cứu cánh cho nồi cơm" của một số cơ sở giáo dục. Việc tuyển dụng cho bằng được, tuyển cho đủ để đảm bảo nguồn thu nhập cho giảng viên bất chấp đầu vào thấp, quy trình kiểm soát chất lượng dễ dãi cũng là vấn đề kéo theo những tiêu cực trong công tác đào tạo tại chức. 

Hệ quả là chất lượng đào tạo của 2 hệ này là rất khác xa nhau. Điều này khiến xã hội rất khó có thể chấp nhận việc cấp cho hai hệ học cùng một loại văn bằng được vì như thế sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực. 

Còn trong trường hợp Bộ GD&ĐT làm theo cách làm mới, đó là cam kết đào tạo theo hình thức tín chỉ với cùng một chuẩn chương trình, cùng một chuẩn đánh giá chất lượng thì việc người học được cấp 1 loại văn bằng dù tốt nghiệp sau 3 năm hay 7 năm là việc hoàn toàn có thể thực hiện được.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng nêu quan điểm: Việc loại bỏ hình thức đào tạo trên văn bằng là quy định nên làm nhưng đi kèm với nó là các điều kiện chặt chẽ. 

“Nếu muốn đề xuất trên khả thi và thực hiện được trước hết phải đảm bảo được rằng, hai loại hình này chỉ khác nhau về phương thức và thời gian đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn chất lượng quản lý đào tạo là như nhau. Khi đó chuẩn đầu ra, văn bằng tốt nghiệp mới coi như nhau được”.

Huyền Thanh
.
.
.