Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi:

Độ khó của đề thi trắc nghiệm phải phù hợp với năng lực thực tế của học sinh

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:25
Trước đề nghị của Hội Toán học về việc hoãn thi trắc nghiệm môn Toán năm 2017, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Hội Toán đang hiểu sai về mục đích của kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Đó là kỳ thi “2 trong 1” với mục đích kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh chứ không phải là một cuộc thi tuyển chọn những người có năng lực xuất sắc về Toán học.

Một số lý do Hội Toán học đưa ra để đề nghị hoãn thi trắc nghiệm môn Toán như tính phân loại không cao, ngân hàng đề chưa chuẩn bị kịp, chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, trong một thời gian đủ dài, nhằm hình thành một hệ thống câu hỏi tốt, có khả năng phân loại thí sinh.

Theo GS.VS Đào Trọng Thi, ở đây chúng ta đang nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kể cả là tuyển sinh ĐH, CĐ, về cơ bản vẫn là thi để kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh. Đó chưa phải là các năng lực vượt trội, năng lực chuyên biệt của những người lấy Toán làm mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của mình.

Trước lo ngại thi trắc nghiệm môn Toán có tính phân loại không cao, GS Thi cho rằng, bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm môn Toán đơn giản có thể nhẩm tính và trả lời nhanh, người ta còn thiết kế những câu hỏi trắc nghiệm dưới dạng bài toán nhỏ với độ phức tạp và độ khó cao hơn, đòi hỏi phải giải trước trên giấy nháp rồi mới xác định được đáp án.

“Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán thường được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT cũng như phần lớn các kỳ thi tuyển chọn số đông như tuyển sinh đại học nhưng chưa hiệu quả khi cần đánh giá năng lực vượt trội, đỉnh cao như thi học sinh giỏi.

Trong trường hợp cần đánh giá năng lực Toán vượt trội, bài thi trắc nghiệm chỉ để sàng lọc sơ bộ, sau đó vẫn cần một bài thi theo hình thức tự luận hoặc vấn đáp để xác định người thắng cuộc”, GS Thi chia sẻ.

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2016.

Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức xây dựng đề thi một cách công phu ngay từ bây giờ, trong đó có việc sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) xây dựng trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với quy mô toàn quốc.

Về vấn đề này, GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng, ĐHQGHN đã có công tác chuẩn bị kỹ càng, bài bản suốt một thời gian dài như: Cử cán bộ sang một số quốc gia học tập công tác làm đề trắc nghiệm, thành lập Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN… Đây cũng là một cơ sở quan trọng trong việc xây dựng ngân hàng đề thi sử dụng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Về việc thi trắc nghiệm chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, theo GS Thi, những năm qua học sinh thi vào ĐHQGHN rất nhiều, trong đó có nhiều em không xác định vào học tại ĐHQGHN nhưng vẫn đi thi để tập dượt. Vì vậy, việc thi thử trắc nghiệm cũng đã được thử nghiệm trên một mẫu số đủ lớn.

“Với tinh thần đó, tôi cho rằng việc đưa hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể làm được và không nhất thiết phải lùi thời gian thực hiện. Chúng ta đang làm theo lộ trình đổi mới, mỗi năm điều chỉnh một chút để tránh “sốc” cho dư luận, nếu năm nay không làm thì công việc sẽ dồn lại cho những năm tiếp theo và ảnh hưởng đến cả lộ trình đổi mới”, GS.VS Đào Trọng Thi khẳng định.

Đánh giá về Dự thảo phương án thi và tuyển sinh năm 2017 của Bộ GD&ĐT, GS. VS Đào Trọng Thi cho rằng, việc bỏ loại cụm thi đại học, chỉ tổ chức một loại cụm thi địa phương là phù hợp với chủ trương tiến tới phân cấp hẳn việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương.

Băn khoăn về tính trung thực, nghiêm túc trong các khâu coi thi, chấm thi tại cụm thi địa phương sẽ được khắc phục vì hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ Văn) sẽ được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan và được chấm tự động bằng phần mềm máy tính.

Tuy nhiên, khi xây dựng ngân hàng đề thi, Bộ cần cân nhắc xác định độ khó phù hợp với năng lực thực tế của đông đảo học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo lối truyền thụ kiến thức của từng môn học riêng biệt.

PV
.
.
.