Điểm chuẩn nhiều trường sẽ tăng nhẹ

Chủ Nhật, 09/07/2017, 17:51
Theo lộ trình, ngày 12-7, Bộ GD & ĐT sẽ công bố điểm sàn và ngay sau đó, các trường sẽ đồng loạt công bố ngưỡng đầu vào xét tuyển. Từ ngày 15-7 đến 23-7, thí sinh bắt đầu thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trước đó và chỉ được thay đổi một lần duy nhất.


Đây là thời điểm vô cùng quan trọng, do đó, theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh phải rất tỉnh táo, theo dõi sát thông tin để có sự điều chỉnh tối ưu. Hiện nhiều trường đại học đã đưa ra dự báo về điểm sàn và điểm chuẩn.

Đưa tiêu chí phụ để “cản” bớt thí sinh

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) cho biết: Vì điểm thi năm nay cao hơn năm trước nên phổ điểm ĐHBKHN quan tâm không nằm ở ngưỡng 17 điểm, cũng không phải 21 điểm như năm trước, mà phải từ 21 điểm trở lên. 

Ngày 14-7, ĐHBKHN sẽ công bố ngưỡng điểm để thí sinh nộp hồ sơ, nhưng sẽ có ngưỡng khác nhau từ ngành này sang ngành khác, ví dụ nhóm ngành “hot” điểm có thể cao hơn.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng theo ngành yêu thích, chứ không theo trào lưu, số đông.

Năm ngoái nhóm ngành này trung bình 3 môn là 7,5, tương đương 22,5 điểm trở lên. Năm nay nhóm ngành này, nếu thí sinh đạt 23 điểm trở lên mới được nộp hồ sơ. 

PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết thêm: “Chúng tôi có được dữ liệu những thí sinh đạt từ 26 điểm trở lên khá đông; với những thí sinh thuộc khu vực miền Bắc, nằm trong mối quan tâm đặc biệt của các trường tốp trên thì mỗi một phổ điểm nhỏ, từ 26,5 – 27 điểm đã có hàng ngàn em có mức điểm như nhau”.

Nhiều trường đại học đều xác nhận, nếu điều chỉnh một mức điểm lẻ thôi thì số lượng trúng tuyển sẽ tăng lên rất nhiều. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông thì “đây là điều tối kỵ trong tuyển sinh”.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, điểm chuẩn vào ĐH Kinh tế quốc dân không đột biến mạnh, nhưng một số ngành “hot” như marketing có ngưỡng chất lượng đầu vào không thấp hơn năm trước (17 điểm), hoặc cao hơn. Theo kinh nghiệm thì thí sinh nộp hồ sơ vào trường đều có mức 20 điểm trở lên.

ĐH Ngoại thương cũng dự báo mức điểm chuẩn có thể nhích nhẹ, đặc biệt với tổ hợp A00 là Toán, Lý, Hóa. Năm nay ĐH Thủy lợi sẽ có những ngành có điểm chuẩn chỉ nhỉnh hơn điểm sàn, nhưng sẽ có những ngành điểm cao vọt, thậm chí bằng một số ngành của trường tốp trên.      

Vậy làm thế nào để tuyển được thí sinh, khi mà có hàng ngàn thí sinh bằng điểm nhau? Đại diện một số trường đại học tốp trên cho biết, họ sẽ phải đưa ra tiêu chí phụ để “lọc” thí sinh.

Năm 2016, ĐHBKHN chỉ sử dụng 1 tiêu chí phụ (môn Toán), năm nay nhà trường tính toán sử dụng 2 tiêu chí phụ, mới hy vọng giải được bài toán này. Đó là sẽ lấy tổng điểm 3 môn không nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên; những tiêu chí phụ này cũng có thể làm cho chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên, nên trường phải cần tiêu chí phụ thứ hai là sẽ ưu tiên cho thí sinh có cùng chung nguyện vọng xếp vào cùng ngành đó cao hơn (ưu tiên nguyện vọng 1).

Lọc ảo bằng cách nào?

Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không hạn chế và được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất ngay sau khi biết điểm thi. Quy định này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong xét tuyển, nhưng sẽ đẩy gánh nặng thí sinh “ảo” cho các trường. Do đó, hai nhóm trường phía Bắc và phía Nam sẽ sử dụng chung phần mềm để lọc ảo, do trường đại học chủ trì chịu trách nhiệm.

Phía Bắc do ĐHBKHN chủ trì với 56 trường từ Hà Tĩnh trở ra tham gia và  nhóm xét tuyển miền Nam do Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì với sự tham gia của các trường từ Quảng Bình trở vào.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐHBKHN cho biết, hiện phần mềm lọc ảo liên tục được chạy thử, đánh giá chất lượng rất tốt. Các trường hoàn toàn có thể “tập trận” với phần mềm này.

“Nhưng hiện chúng tôi đang chạy dữ liệu giả định, do đó chúng tôi đang xin phép Bộ GD & ĐT cho chạy trên dữ liệu thật. Ngày 31-7, sau khi Bộ lọc ảo lần cuối, sẽ cung cấp danh sách thí sinh trúng tuyển cho các trường và các trường có trách nhiệm công bố thí sinh trúng tuyển. Chúng tôi mong muốn công bố danh sách thí sinh trúng tuyển của 56 trường trong nhóm miền Bắc trên website của từng trường. Thí sinh chỉ cần truy cập vào website của một trường sẽ biết được mình trúng hay không. Thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển thì em đó không đỗ bất kỳ trường nào trong nhóm”, PGS.TS Trần Văn Tớp cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), về mặt pháp lý, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường nên kiểm soát thí sinh ảo là nhu cầu và trách nhiệm của từng trường. Để hỗ trợ các trường chống ảo, Bộ GD&ĐT đã thiết lập cổng thông tin thi tuyển sinh, xây dựng phần mềm thống kê nguyện vọng đăng ký xét tuyển, phần mềm điều chỉnh nguyện vọng, phần mềm xét tuyển…

Tuy nhiên, các hỗ trợ này đều mang tính kỹ thuật, không mang tính bắt buộc phải sử dụng. Các trường phải tự kiểm soát tỷ lệ ảo và tự chịu trách nhiệm trong việc tuyển sinh.

Bà Phụng lưu ý, các trường cần tính toán việc điều chỉnh danh sách dự kiến trúng tuyển hoặc điểm dự kiến trúng tuyển sau mỗi lần lọc ảo trong nhóm và lọc ảo toàn quốc, để đảm bảo danh sách thí sinh chính thức trúng tuyển vào trường sau lần cuối cùng lọc ảo toàn quốc (ngày 30-7) sát với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. 

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để áng chừng được mức điểm chuẩn của các trường và đưa ra quyết định đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp, thí sinh cần nghiên cứu kỹ phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố cũng như điểm chuẩn những năm trước của các trường. 

Các thí sinh xét tuyển ngành quân sự, công an cần đặc biệt lưu ý phải đăng kí nguyện vọng 1 vào các trường này nếu không sẽ không có cơ hội. Còn đối với các trường còn lại, cơ hội ở từng nguyện vọng của thí sinh là ngang nhau. Đối với thí sinh trúng nhiều nguyện vọng thì chỉ được xét tuyển nguyện vọng cao nhất.

Nhật Trường
.
.
.