Xung quanh đề xuất bỏ lệnh “cấm thi” vào lớp 6

Thứ Bảy, 23/12/2017, 08:34
Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành là ở cấp THCS, trường nào có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ được sử dụng phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thay vì áp tất cả các trường phải xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã mở ra một hướng mới cho các trường đặc thù, trường chất lượng cao được chủ động hơn trong việc tuyển chọn đầu vào. Sự điều chỉnh kịp thời này đã nhận được sự đồng thuận từ xã hội.

Chị Nguyễn Minh Phương, phụ huynh có con năm nay học lớp 6 tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, cách tuyển sinh vào lớp 6 thông qua hình thức xét tuyển học bạ và tiêu chí phụ như đã áp dụng đối với các trường chất lượng cao trong 3 năm qua là không hợp lý và thiếu công bằng. Lý do là hầu hết học sinh lớp 5 dự tuyển vào trường đều có học bạ đẹp với học lực giỏi. 

Việc được phép kiểm tra đánh giá năng lực sẽ giúp các trường thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn đầu vào. Ảnh minh họa

Do vậy, để lựa chọn được học sinh trúng tuyển trong hàng ngàn hồ sơ đẹp này, nhà trường đã phải sử dụng các tiêu chí phụ như bằng khen, giấy khen từ các cuộc thi để xét tuyển. Do tiêu chí phụ bỗng trở thành tiêu chí chính khi xét tuyển nên dù muốn hay không muốn, cha mẹ học sinh buộc phải cho con em mình tham gia hầu hết các cuộc thi để kiếm bằng khen, giấy khen.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Phòng Giáo dục quận Hà Đông (Hà Nội) cũng cho rằng: Đối với những trường chuyên và trường đặc thù, phương án mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra là phù hợp. 

Điều này càng có ý nghĩa khi mà Bộ GD&ĐT đã và đang tinh giảm bớt các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, siết chặt và điều chỉnh việc cộng điểm từ các cuộc thi. Đặc biệt,  đây cũng là cơ sở cần thiết để Sở GD&ĐT các địa phương có phương án chỉ đạo, hướng dẫn các trường nằm trong nhóm đối tượng trên có phương án tuyển sinh phù hợp, đảm bảo sự công bằng.

Từ phía nhà trường, ông Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: Nhà trường ủng hộ chủ trương này vì sẽ đảm bảo tính chính xác và công bằng hơn khi tuyển sinh. 

Cũng theo ông Dũng, với bài thi đánh giá năng lực, dù hiện tại chưa có hướng dẫn chính thức song nhà trường có thể sử dụng phương thức phỏng vấn, kiểm tra trắc nghiệm hay khảo sát đầu vào để lựa chọn học sinh phù hợp. So với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để lấy điểm ưu tiên, một cuộc kiểm tra, khảo sát đầu vào sẽ giúp học sinh bớt vất vả và công bằng hơn.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng việc bãi bỏ “lệnh cấm thi” vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT là một chủ trương phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, ông Khang cho rằng, kiểm tra đánh giá năng lực thực chất vẫn là một hình thức thi. 

Do vậy, thay vì quy định cứng là thi đánh giá năng lực, Bộ GD&ĐT nên quy định mở hơn về phương thức kiểm tra đầu vào, để các trường tự chọn được phương án phù hợp bởi số lượng các trường đặc thù được áp dụng quy chế tuyển sinh này chỉ chiếm tối đa khoảng 1% trong toàn hệ thống.

Trước băn khoăn của dư luận, liệu có thể tái diễn chuyện ôn thi, luyện thi, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc Bộ GD&ĐT đưa ra phương án mới cũng nhằm hạn chế tình trạng này. 

“Nếu kiểm tra kiến thức ở môn Toán học có thể giao cho học sinh một phương trình hay nội dung nào đó dùng kiến thức để giải. Còn khi đánh giá năng lực, giáo viên sẽ giao cho học sinh vận dụng kiến thức mình làm để giải quyết vấn đề cụ thể. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức, mà còn phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp”- ông Thành nhấn mạnh.

Huyền Thanh- Lưu Hiệp
.
.
.