Đề Ngữ văn lớp 10 không đánh đố nhưng thiếu sự mới mẻ

Thứ Năm, 07/06/2018, 15:30
Sáng 7-6, thí sinh Hà Nội chính thức thi môn Ngữ văn với thời gian 120 phút. Đề thi môn Ngữ văn năm nay đã nhận được sự đánh giá tương đối “trái chiều” từ giáo viên và học sinh.


Tại điểm thi trường THPT Trương Định (Hoàng Mai), sau khi kết thúc môn Ngữ văn, nhiều học sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khác nhau. Em Hoàng Lan Anh, học sinh trường THCS Tân Mai cho biết: Đề thi năm nay vừa sức với học sinh và không quá khó vì hai phần ba nội dung của đề thi năm nay nằm trong đề cương ôn tập. Riêng câu 3 phần 1 viết lại chính xác câu thơ trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được như ý vì phần này nằm trong chương trình học lớp 7 nên bạn đã không chú ý khi ôn tập kỹ. Tuy vậy, một số học sinh khác lại cho rằng đề thi hơi khó, các em chỉ làm được khoảng từ 5-6 điểm.
Đề thi môn Ngữ văn lớp 10 năm 2018

 Đánh giá về đề thi Ngữ văn, cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho biết: Đề Ngữ văn năm nay tương đối  khó nhưng không đánh đố học sinh. Đề thi kiểm tra được khá toàn diện về kiến thức văn học, kiến thức ngữ pháp và từ vựng ( từ Hán Việt) của học sinh. 

Câu Nghị luận xã hội đặt ra vấn đề rất gần gũi và thiết thực đối với học sinh đặc biệt trong giai đoạn xã hội đang có những xáo trộn trong suy nghĩ về những giá trị của gia đình. “Nhìn chung đề Ngữ văn thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2018 tương đối chặt chẽ, kiểm tra được khá toàn diện kiến thức và kỹ năng của học sinh. Vì đề tương đối khó nên phổ điểm chủ yếu sẽ là 6 - 7. Điểm 8 và 9 chỉ giành cho những thí sinh có học lực thực sự khá, giỏi và tư duy tốt"-cô Nga chia sẻ.

Học sinh dự thi vào lớp 10 tại trường THPT Trương Định

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng cho rằng: So với đề thi năm 2017 và các năm trước, đề thi môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung cũng như cách phân bố điểm cho từng phần, rất quen thuộc và không đánh đố. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức của tác phẩm Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn. 

Với nội dung và cấu trúc như vậy, học sinh không cần phải học thuộc lòng và ghi nhớ quá nhiều mà chỉ cần hiểu được nội dung của tác phẩm, có kĩ năng đọc hiểu văn bản và khả năng diễn đạt tốt thì có thể hoàn thành bài thi. Tuy vậy, điểm mà TS Trịnh Thu Tuyết cảm thấy chưa hài lòng trong đề thi năm nay đó chính là sự lặp lại quá quen thuộc về cả cấu trúc lẫn kiểu dạng câu hỏi trong đề thi suốt nhiều năm nay. 

“Tôi luôn đầu tư rất nhiều tâm sức cho việc ra đề vì nghĩ rằng mỗi đề văn phải khơi thức cho trò một điều gì đó mới mẻ, vừa trí tuệ vừa nhân văn, nhưng với kiểu đề bất biến trì trệ thế này, tôi sợ rằng, trò sẽ nhàm chán khi làm bài, thầy sẽ biếng lười khi luyện - dạy”- TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.

Nhóm PV
.
.
.