Đào tạo tín chỉ trong phổ thông: Nỗi lo "quá tải"!

Thứ Hai, 08/01/2018, 09:03
Cùng với việc đề xuất thực hiện cơ chế "mở" trong năm học đối với các bậc học phổ thông, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đang đề xuất áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ ở hệ THPT. Chủ trương mới đang gặp nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nỗi lo được đặt ra, khi chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng sẽ gây nguy cơ dôi dư giáo viên, còn học sinh tiếp tục lãnh hậu quả quá tải không cần thiết.

Chia sẻ về vấn đề trên, một cán bộ quản lý thuộc Trường Đại học (ĐH) Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận định, ở bậc ĐH, có những môn học độc lập nên sinh viên có thể học hết môn này rồi đến môn kia. Còn ở bậc phổ thông, giữa các môn học có liên quan với nhau, sự hiểu biết của học sinh (HS) cùng thói quen giảng dạy lâu nay chưa thể đáp ứng ngay cho việc thay đổi rất mới này.

Theo tuần tự, HS sẽ phải học hết chương trình lớp 10, 11 rồi mới đến lớp 12. Ở bậc ĐH mãi nhiều năm sau này, mới có áp dụng mô hình đào tạo tín chỉ và cũng chỉ ở một số ngành. Khi áp dụng còn phải thay đổi kèm theo là đội ngũ giáo viên được tập huấn, nhất là chương trình. Giáo trình giảng dạy phải sửa đổi, phức tạp chứ không đơn giản mà làm ngay được. Do đó, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cần phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài. Đó là mới nói việc áp dụng với bậc THPT.

Với bậc THCS thì càng không nên. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Nhân cũng lưu ý: "Bậc THCS chỉ nên thực hiện cơ chế mở với niên chế năm học theo hướng linh hoạt. Theo đó HS có thể học chương trình trong 8 tháng hoặc 12 tháng tùy sức học và điều kiện của từng người. Nếu để học sinh trung học học theo hình thức tín chỉ như bậc ĐH thì thực sự phải xem xét".

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc đơn vị tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh,  bày tỏ lo ngại, nếu đào tạo theo hình thức tín chỉ ở bậc THPT sẽ dẫn tới tình huống, khó đánh giá quá trình học tập của học sinh. Vì một HS phổ thông được đào tạo bao gồm giáo dục về kiến thức, về quy chế, nề nếp, đạo đức... chứ không chỉ riêng kiến thức hay kết quả học tập. Vậy, các tiêu chí đánh giá sẽ phải thay đổi theo như nào.

Các chuyên gia lo ngại, mô hình tín chỉ trong phổ thông sẽ gây tình trạng quá tải không cần thiết cho HS tại TP Hồ Chí Minh.

Riêng bà Lê Thị Hồng Liên, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi cho rằng, ngành giáo dục ta đã đủ năng lực làm việc này hay chưa? Một tình huống có thể xảy ra, đó là nguy cơ khủng hoảng, thừa giáo viên, cần phải xem xét kĩ. Còn mặt bằng dân trí của ta cũng không đồng đều nhau. HS của Việt Nam khác các nước, đó là có khoảng chênh lệch kiến thức rất lớn, giữa vùng nông thôn và thành thị, với vùng sâu, vùng xa. Chính khoảng cách này thì làm sao ta áp dụng hình thức tín chỉ hệ phổ thông được?!

Trao đổi về vấn đề này, Phó GS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, nguyên giảng viên cao cấp của ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh phân tích: "Về cơ bản, mục tiêu của ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đặt ra là tốt, nằm trong đề án phát triển ngành GD thành phố từ nay tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030.

Tuy nhiên, cần nhớ, vào những năm 1980, khi các trường ĐH bắt đầu có hình thức tín chỉ, ngay ở ĐH Bách khoa, cũng phải "náo loạn" một thời gian dài. Giáo trình lại phải làm lại hết. Phải sau một thời gian mới thích nghi được. Môi trường ĐH mà còn vậy. Nếu cái gì cũng bê nguyên xi mô hình của nước ngoài vào giáo dục cho HS Việt Nam sẽ làm khổ HS. Bất kể sự thay đổi nào khi chưa được chuẩn bị kĩ sẽ gây ra một tâm lý không tốt.

Học tín chỉ đề cao sự tự nghiên cứu, tự học, nhưng, số HS của ta có khả năng học như thế không nhiều. Nên nếu áp dụng trên diện rộng, sẽ gây một tâm lý ức chế, một "tải trọng" không cần thiết cho HS.

Huyền Nga

.
.
.