Đào tạo giáo viên theo “đặt hàng” của địa phương

Thứ Bảy, 07/07/2018, 11:27
Bắt đầu từ năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức “đặt hàng” trường đại học đào tạo giáo viên. 

Theo các chuyên gia giáo dục, đây là một cách làm đúng hướng, cần tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng. Tuy vậy, để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm vẫn cần rất nhiều giải pháp đồng bộ khác đi kèm.

PGS-TS Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết: Từ năm 2018, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức tổ chức tuyển sinh 4 ngành ĐH sư phạm chất lượng cao là Toán học, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử với 20 chỉ tiêu/ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2022-2030. 

Đào tạo giáo viên theo “đặt hàng” của địa phương được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều học sinh giỏi vào sư phạm. Ảnh minh họa.

Để được chọn vào Đề án đào tạo giáo viên chất lượng cao, thí sinh phải có điểm thi đầu vào ĐH của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển từ 24 điểm trở lên (không tính điểm nhân hệ số, nếu có, của từng môn thi), trong đó không có môn nào dưới 5 và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8 trở lên; hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào ĐH theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Quá trình học, ứng viên phải nỗ lực để tốt nghiệp loại khá trở lên, phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài. Các sinh viên thuộc Đề án đào tạo giáo viên chất lượng cao sau khi tốt nghiệp sẽ được tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng ngay vào các trường THPT trong tỉnh.

Cũng theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Mạnh An, dù yêu cầu đặt ra với thí sinh theo chương trình này là khá cao, nhưng ngay trong mùa tuyển sinh đầu tiên, số lượng thí sinh đăng ký khá nhiều. Cụ thể, 3 chuyên ngành Văn, Sử, Toán đều có hơn 150 em đăng ký, chuyên ngành Vật Lý có gần 50 em... 

Điều này có phần đối lập với số lượng khá lèo tèo của các ngành sư phạm truyền thống mà nhà trường hiện có. “Từ thực tế này cho thấy, ngành sư phạm vẫn rất hấp dẫn người giỏi nếu như các em được cam kết việc làm sau khi ra trường. 

Hiện Thanh Hóa có 105 trường phổ thông, nhu cầu giáo viên rất lớn. 80 người học chương trình chất lượng cao ra trường vào năm 2020 vẫn không đáp ứng đủ, thậm chí chỉ như muối bỏ biển. 

Do vậy, ĐH Hồng Đức dự kiến sẽ mở rộng đề án, bổ sung các ngành đào tạo chất lượng cao hệ ĐH ngành sư phạm Hóa học, Sinh học, Địa lý và Tiếng Anh theo đơn đặt hàng của tỉnh Thanh Hóa trong những năm tiếp theo” - ông An nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo CAND về câu chuyện “đặt hàng” đào tạo giáo viên của tỉnh Thanh Hóa, PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Đây là một cách làm đúng hướng, có thể nhân rộng tại nhiều địa phương khác. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có một bộ phận học sinh cấp 3 học giỏi vẫn có khao khát làm thầy. 

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải có chính sách đúng để thu hút được bộ phận tinh hoa này vào sư phạm. Một trong những chính sách cần ưu tiên đó là đảm bảo đầu ra cho người học.

Nếu đảm bảo được việc làm sau khi tốt nghiệp cho người học như ngành Công an, Quân đội, chắc chắn những học sinh giỏi và có lý tưởng làm thầy sẽ yên tâm với lựa chọn của mình.

Tuy vậy, PGS Đặng Quốc Bảo cũng băn khoăn là cách làm này vẫn mang tính nhỏ lẻ, có yếu tố cục bộ địa phương và cũng chưa tạo được sự an tâm thực sự cho người học.

Nên chăng, trong đề án, ĐH Hồng Đức và tỉnh Thanh Hóa cần công khai minh bạch bằng bản cam kết đảm bảo đầu ra cụ thể cho người học như mức lương như thế nào, có đủ giúp giáo viên sống bằng nghề hay vẫn phải ký hợp đồng từng năm với mức lương vài ba triệu, rồi sau đó phải “chạy” thi tuyển để vào công chức. 

Bên cạnh đó, việc đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng của Thanh Hóa không nên chỉ giao cho ĐH Hồng Đức làm, mà phải mở rộng ra toàn thể quốc gia, với tất cả các cơ sở đào tạo sư phạm uy tín khác để học sinh được tự do lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nguyện vọng của mình, chứ không nên cục bộ theo hướng địa phương nào thì “đặt hàng” trường đại học của địa phương đó.

Cũng theo chia sẻ của PGS Đặng Quốc Bảo, cá nhân ông vẫn tâm đắc với mô hình đào tạo sư phạm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn. Thời kỳ 1977-1988, khi là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã triển khai phương thức đào tạo giáo viên vừa học vừa làm. 

Trong 11 năm, Trường ĐH Sư phạm Trung ương đã đào tạo trên 2.000 giáo viên. Sau khi ra trường, những giáo viên này được trở về địa phương, nơi mình sinh sống để giảng dạy. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành cốt cán của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT.

“Kinh nghiệm đào tạo giáo viên của thế giới hiện nay cũng cho thấy, ngay những nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cũng áp dụng phương thức vừa học vừa làm để có nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho giáo dục. Do vậy, tôi mong ngành Giáo dục cần nghiên cứu kỹ mô hình đào tạo sư phạm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn để chắt lọc những kinh nghiệm hay, vận dụng vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay” - ông Bảo nêu quan điểm.

Huyền Thanh
.
.
.