Sóc Trăng: Đào tạo giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer bậc tiểu học

Thứ Tư, 14/11/2007, 09:02
Sau khi chia tách tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, Trường Trung học Sư phạm nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm. Việc đào tạo giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer bậc tiểu học của trường vẫn duy trì và phát triển. Đồng thời với đào tạo giáo viên sư phạm hệ mẫu giáo, tiểu học và THCS, nhà trường đã đào tạo 643 giáo viên dạy song ngữ đáp ứng nhu cầu bậc tiểu học của tỉnh.

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), Đảng và Nhà nước ta có nhiều chỉ thị, nghị quyết về chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 68/CT-TW ngày 18/4/1991, chỉ đạo chính quyền đoàn thể cùng ngành giáo dục các cấp quan tâm thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, củng cố phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương dạy xen kẽ tiếng Khmer với tiếng Việt, đào tạo đủ và bố trí hợp lý giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer bậc tiểu học. Thực hiện chỉ đạo cấp trên, trước năm 1994, Trường THSP Sóc Trăng đã đào tạo được 313 giáo viên vùng sâu, vùng đồng bào Khmer.

Thực tế, nhiều giáo sinh dân tộc chỉ nói được tiếng mẹ đẻ, còn đọc và viết chữ Khmer lại hạn chế. Từ năm đó về sau, nhà trường quan tâm đào tạo giáo viên dạy song ngữ bậc tiểu học (hệ 9+3), giúp giáo sinh nâng cao kiến thức và phương pháp giảng dạy ngữ văn Khmer.

Năm 1996 đến nay, trường CĐSP chuyển sang đào tạo giáo viên dạy hai thứ chữ theo (hệ 9+4 và 12+2) chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT. Nhằm đổi mới phương pháp dạy học, chăm lo đào tạo giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer, lãnh đạo nhà trường cùng giáo viên thường xuyên thâm nhập thực tế, dự giờ thao giảng, kiến tập phần tiếng Khmer ở một số trường tiểu học trọng điểm trong tỉnh.

Đội ngũ giáo viên Trường Thực hành Sư phạm mẫu giáo và THCS, hiện Trường CĐSP Sóc Trăng có 156 cán bộ, công nhân viên chức (trong đó 15 cán bộ dân tộc Khmer và 30 thạc sĩ ngành sư phạm).

Nhờ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, soạn thảo giáo trình giúp người học dễ hiểu, viết đúng từ ngữ nên Nhà giáo Nhân dân Lâm Es đã biên soạn 3 tập giáo trình giảng dạy tiếng Khmer, giúp nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo sinh dân tộc.

Đó là một trong những công trình khoa học đầy sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt-Khmer ở Nam Bộ. Tuy đội ngũ giáo viên có hai cán bộ chuyên về phương pháp dạy tiếng Khmer, hạn chế kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy khi lên lớp, nhưng hai giáo viên của trường vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với phương châm "vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm", đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Các năm trước đây, Trường CĐSP Sóc Trăng được giao chỉ tiêu cử tuyển đào tạo nguồn giáo viên dạy song ngữ. Học sinh dân tộc vào trường học 1 năm dự bị, 3 năm sau theo học chương trình hệ cao đẳng.

Phó Hiệu trưởng - Thạc sĩ Lý Thị Đào cho biết: "Năm học vừa qua, có 50 giáo sinh hệ cử tuyển khóa sau cùng vào học tại trường. Ngoài việc dạy các môn học chính quy theo hệ sư phạm hiện hành, nhà trường dạy thêm phong tục tập quán, văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc Khmer. Bổ sung giáo viên dạy phương pháp dạy chữ Khmer cho giáo sinh dân tộc".

Đồng thời, Trường CĐSP Sóc Trăng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng (3 tháng) giúp giáo viên trong tỉnh nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Khmer; có 76 giáo viên dạy hai thứ chữ ở Hậu Giang và Kiên Giang học xong khóa đào tạo chuẩn hóa; hiện còn 52 giáo sinh ở TP Cần Thơ và Bình Phước đang theo học hệ (12+2).

Ngoài chế độ học bổng của trường, 24 giáo sinh ở TP Cần Thơ được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng mỗi người trong năm học

Đức Giang
.
.
.