Đại học Sài Gòn và "hành trình" xác nhận thương hiệu giáo dục

Thứ Bảy, 13/05/2017, 22:19
Ngày 13-5, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục-TTKĐCLGD - ĐH Quốc gia Hà Nội đã chính thức trao Quyết định và Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường Đại học" cho ĐH Sài Gòn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu đã trực tiếp tới tham dự và phát biểu chỉ đạo. Được biết, ĐH Sài Gòn là một trong 18 trường trong nhóm các trường ĐH công lập đầu tiên đạt được Chứng nhận này.

Công khai kiểm định chất lượng -"viên gạch" đầu tiên xây dựng thương hiệu

Trực tiếp trao Chứng nhận cho Nhà trường, GS.TS Nguyễn Quý  Thanh, Giám đốc TTKĐCLGD Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cho biết: "ĐHSG là một trong 18 trường trong nhóm các trường ĐH công lập đầu tiên đạt được Chứng nhận này. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển, đi lên, đặc biệt trong định hướng hoạt động của Nhà trường theo hướng chuẩn về giáo dục Đại học".

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu chúc mừng Nhà trường.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cũng cho biết, các trường được công nhận phải trải qua một qui trình thẩm định gắt gao, điều này cũng cho thấy các trường đi đầu trong việc kiểm định chất lượng đã dũng cảm tiên phong. Ngoài việc đặt ra mục tiêu tự nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo, còn phải đảm bảo và duy trì bền bỉ chất lượng trong hoạt động giảng dạy, đào tạo. Đây là một "hành trình" không hề đơn giản. Đòi hỏi, sau khi được công nhận, phải liên tục phấn đấu để giữ vững danh hiệu.

PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong thời gian qua, trường ĐHSG đã triển khai thực hiện công tác tự đánh giá cấp trường theo bộ tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD-ĐT để điều chỉnh các hoạt động ở tất cả lĩnh vực trong Nhà trường. Hiện, trường ĐHSG đào tạo 11 chuyên ngành thạc sĩ, 33 chuyên ngành ĐH, liên kết đào tạo quốc tế với ĐH IMC Krems-Cộng hoà Áo, Đại học Deakin-Úc, Đại học Tây Anh-Vương quốc Anh.

Ngoài ra, trường phối hợp với Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo tiếng Anh cho công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh. Để đáp ứng công tác giáo dục và đào tạo của nhà trường theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn, trường đã đầu tư trang thiết bị cho phòng học, CSVC.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh phát biểu.

Đồng thời, tăng cường số lượng chất lượng của đội ngũ CB, Giảng viên các khoa, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu DN, của XH hiện nay.

Được biết, tháng 10-2016, trường đã đăng kí đánh giá ngoài chính thức cấp cơ sở giáo dục với TTKĐCLGD-ĐHQG Hà Nội; Ngày 2-12-2016, đoàn Chuyên gia đánh giá ngoài thuộc TTKĐCLGD - ĐHQG Hà Nội đã tiến hành khảo sát sơ bộ tại trường; Từ ngày 7-1 đến 11-1-2017, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đã tiến hành đánh giá ngoài chính thức trường ĐHSG; Ngày 20-2-2017, Hội đồng KĐCLGD-ĐHQG Hà Nội đã thông qua nghị quyết công nhận trường ĐHSG đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục.

GSTS Nguyễn Quý Thanh cũng giải thích thêm: "Để việc đánh giá được khách quan, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã qui định, chỉ cho phép các thành viên của Hội đồng Kiểm định là những Chuyên gia cao cấp, những nhà nghiên cứu về GD, nhưng không có ai đang giữ vị trí lãnh đạo của Bộ, Cục, Vụ, Viện hay lãnh đạo của trường ĐHQG được phép tham gia vào Hội đồng  này.

Cũng sẽ có ý kiến, tại sao một Trung tâm của trường ĐHQG lại được phép đánh giá chất lượng trường ĐH khác? Vì từ thời điểm ĐHQG Hà Nội xây dựng đề án, lãnh đạo Bộ cũng như Cục Kiểm định và Khảo thí Bộ GD-ĐT chưa tìm thấy một cơ sở nào đủ khả năng, năng lực và uy tín về chuyên môn, vượt qua TTKĐCLGD-ĐHQG Hà Nội để đảm đương được việc này.".

PGS TS Phạm Hoàng Quân lên nhận Quyết định đạt Kiểm định chất lượng Giáo dục Đại học-ĐHQG Hà Nội.

Cũng theo GSTS Quí Thanh, khi một cơ sở được kiểm định công nhận, tức là được một lần "đánh dấu" về chất lượng đào tạo, cũng có nghĩa, cơ sở GD đó đã chứng tỏ một cách minh bạch với xã hội về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, sau đó, ĐHSG sẽ còn phải tiếp tục phấn đấu hơn nữa, vì đây mới là một khâu đầu tiên của việc xây dựng đảm bảo chất lượng.

Đợt kiểm định vừa rồi, Nhà trường đã rất cố gắng. Tới mức khiến rất nhiều hoạt động trong nhà trường phải thay đổi, làm thay đổi toàn bộ cường độ làm việc của toàn thể CBCNV, giáo viên trong nhà trường. Trong quá trình thay đổi này, có thể phát sinh sự khó khăn cho những ai không nỗ lực, trì trệ, sẽ không theo kịp với sự tiến bộ, thay đổi của nhà trường.

Dấu mốc quan trọng đánh dấu cho những cuộc bứt phá

Tại buổi lễ công bố quyết định, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thị Thu cũng đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể CBCNV, giáo viên và Sinh viên trường ĐHSG, đồng thời mong rằng, sau sự kiện này, đây sẽ là một dấu mốc son, một động lực lớn giúp cho nhà trường bước sang một giai đoạn mới phát triển tốt hơn, chất lượng hơn nhất là việc tiếp cận những chuẩn qui định về giáo dục đại học-GDĐH của khu vực và Quốc tế.

Ban Giám hiệu Nhà trường chụp hình lưu niệm với các đại biểu.

Theo đó, nhà trường cần nghiên cứu và xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo yêu cầu đổi mới toàn diện và căn bản GDĐH, tạo sự chuyển biến về qui mô, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế Quốc tế và đáp ứng về kĩ thuật và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4-cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhà trường cần chủ động trong việc thực hiện đa dạng hoá nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo, triển khai nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Xây dựng chiến lược hội nhập Quốc tế, nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh của GDĐH Việt Nam.

Được biết, Trường ĐHSG theo lộ trình đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐHQG. Ngoài ra, trong mục tiêu, chiến lược 2015-2020, tầm nhìn 2025, nhà trường phấn đấu trở thành cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng có thứ hạng tối ưu.

Có vị trí xếp hạng trong ít nhất 1 tổ chức xếp hạng các trường ĐH của Thế giới. Trong đó, có định hướng cơ bản hoàn tất một số hoạt động chính yếu chuẩn bị cho trường ĐHSG trở thành cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu (như thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng...).

Huyền Nga
.
.
.