Chuyện những người “gieo chữ” ở vùng biên

Thứ Hai, 29/04/2019, 08:19
Ở vùng biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, hằng ngày các giáo viên vẫn đều đặn lên lớp để dạy cái chữ cho học sinh đồng bào Cơ tu nơi đây. Với họ, ngôi trường ở vùng biên giới là nhà, mảnh đất biên giới là quê hương thứ hai đầy gắn bó…


Chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học  Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khi các thầy cô giáo đang lên lớp để giảng dạy cho các em học sinh nơi đây.

Tranh thủ thời gian trò chuyện cùng chúng tôi, thầy giáo Đỗ Quốc, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Gari, thông tin nhà trường nằm ở vùng biên giới, giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào.

Giờ lên lớp của cô và trò ở vùng biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Hiện trường có 136 em học sinh, trong đó 135 em là đồng bào Cơ tu. Trường có 4 lớp ghép lớp 1 và 2, 4 lớp đơn; 14 giáo viên, trong đó có 5 giáo viên dưới đồng bằng lên và 9 giáo viên người Cơ tu.

Đóng chân ở khu vực biên giới với nhiều khó khăn, vất vả, song nhiều năm qua, tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực, đoàn kết để thực hiện tốt công tác dạy và học, đồng thời chăm lo cho các em học sinh ở bán trú.

Ngoài điểm trường chính, Trường PTDTBT tiểu học Gari còn có 3 điểm trường thôn, mỗi điểm trường có 1 lớp ghép lớp 1 và 2.

“Nhờ sự nhiệt tình công tác của các thầy cô giáo nhà trường mà nhiều năm qua, bên cạnh việc giảng dạy tốt cho các em học sinh Cơ tu địa phương, chúng tôi còn tổ chức bữa ăn bán trú cho các em, đảm bảo bữa ăn nào cũng có cá, có thịt”, thầy Quốc chia sẻ.

Để công tác giảng dạy ở vùng biên giới xa xôi, đầy khó khăn đạt hiệu quả thì vai trò của các giáo viên “cắm bản” là rất quan trọng.

Tại Trường PTDTBT tiểu học Gari, thầy giáo Văn Quý Trường là người đã xem ngôi trường là ngôi nhà của mình. Thầy Trường tâm sự quê thầy ở huyện Đại Lộc, 10 năm trước thầy tình nguyện lên giảng dạy tại xã biên giới Gari.

Dù nhiều lần, Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang có ý định chuyển thầy Trường về giảng dạy tại trung tâm huyện để thuận lợi trong việc về thăm vợ con ở quê Đại Lộc, song vì tình cảm yêu thương với học sinh vùng biên giới mà thầy Trường tình nguyện tiếp tục ở lại Gari để giảng dạy.

Thầy Trường tâm sự: “Học sinh và phụ huynh ở đây thương yêu các thầy cô giáo lắm. Thi thoảng học sinh và phụ huynh lại ghé thăm các thầy cô, mang tặng một số sản vật tự gia đình trồng được như mía, chuối,… Điều đó khiến thầy cô chúng tôi rất xúc động và yêu quý mảnh đất này, yêu quý các em học sinh nơi đây”.

Nếu thầy Trường là giáo viên dưới đồng bằng lên xã biên giới Gari “gieo chữ” thì cô giáo Arất Thị Ke, một người đồng bào Cơ tu địa phương, sau khi ra trường đã trở về quê để giảng dạy cho học sinh miền biên giới. Thấm thoát, cô Ke đã gắn bó với công tác giảng dạy tại mảnh đất Gari này được 24 năm.

Hằng ngày, được thấy các em học sinh vẫn đều đặn đến lớp để nuôi giấc mơ con chữ là niềm vui của các thầy cô giáo nơi vùng biên giới xa xôi, trong đó có những người như cô Ke, thầy Trường.

Buổi sinh hoạt dưới cờ rất trật tự và nghiêm túc tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học  Gari.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết do đường sá xa xôi, cách trở nên công tác giảng dạy ở các xã biên giới của huyện gồm Gari, Ch’ơm, Axan, Tr’hy còn rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, những năm qua, nhờ sự nhiệt huyết và tình yêu nghề sâu sắc của các thầy cô giáo, các thầy cô đã không ngại khó khăn, gian khổ để bám bản, bám trường, bám lớp mà công tác dạy và học ở vùng biên giới của huyện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điều này đã giúp thay đổi nâng cao căn bản nhận thức của người dân địa phương đối với sự nghiệp “trồng người”.
Ngọc Thi
.
.
.