Chuyên gia nói gì về cách dạy đánh vần “cờ-e-ke” cho học sinh lớp 1

Thứ Tư, 29/08/2018, 09:15
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.

Theo đó, do cách đánh vần của tài liệu này khác với cách đánh vần truyền thống nên nhiều phụ huynh tỏ ra bỡ ngỡ, thậm chí có người phản ứng mạnh với những thay đổi này. Tuy nhiên, cách đánh vần này trên thực tế không còn xa lạ với nhiều học sinh, nhất là các địa phương đã tự nguyện chọn dạy theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục từ năm 2016.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đánh vần trong đoạn clip được cộng đồng chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội và gây tranh cãi trái chiều trong những ngày qua chính thức được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1, gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Đây là công trình được GS Hồ Ngọc Đại nghiên cứu trong suốt 38 năm và năm 1979 chương trình đã được áp dụng tại trường Thực nghiệm, ngôi trường do chính GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sáng lập. 

Năm 2006, ngành Giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc do “tái mù”, GS Hồ Ngọc Đại đã đưa sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ "Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". 

Đích thân GS Hồ Ngọc Đại đã đi Lào Cai vận động chính quyền địa phương đưa sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục vào dạy. Nhận thấy việc học theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1 khá phù hợp với học sinh miền núi, bắt đầu từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. 

Năm 2013, Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn. Năm 2016, đã có 48 tỉnh, thành lựa chọn dạy theo sách Công nghệ Giáo dục.

Trước câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội và ý kiến dư luận về tính chính thống của tài liệu này, đầu năm 2017, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục chủ trì tiến hành khảo sát, đánh giá về sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, thành lập các đoàn khảo sát tại các tỉnh để lấy ý kiến từ 4 kênh: Các nhà chỉ đạo chuyên môn Sở, Phòng; giáo viên dạy lớp 1; phụ huynh và kiểm tra học sinh lớp 1. 

Ngay sau khi nghe báo cáo các đoàn khảo sát, tháng 4-2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục. Ngày 22-8-2017, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký Công văn 3877/BGDĐT-GDTH có nội dung cho phép triển khai dạy Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục cho học sinh lớp 1 tại các địa phương có nhu cầu và đến nay, có khoảng 50 địa phương đã lựa chọn học theo tài liệu này.

Điểm khác biệt giữa tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục so với cách học cũ trước đây là trong tài liệu Công nghệ Giáo dục, học sinh cần phân biệt rõ âm và chữ. Âm là vật thật, âm thanh. Chữ là vật thay thế, dùng để ghi lại, cố định lại âm. Do đó, không phải lúc nào cũng có sự tương ứng 1-1 giữa âm và chữ. 

Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m,...). Tuy nhiên, cũng theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau. Do vậy, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h. 

Có những trường hợp một âm không phải chỉ được ghi lại bằng một chữ mà có thể là 2, 3, 4 chữ, do đó, cần có căn cứ luật chính tả. Ví dụ: Âm /ngờ/ được ghi bằng 2 chữ: ng và ngh (ngờ kép). Âm /cờ/ được ghi bằng 3 chữ: c (cờ), k (ca) và q (cu). Âm /ia/ được ghi bằng 4 chữ: iê, ia, yê, ya. Về phát âm, theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1, đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ. Ví dụ: ca: /cờ/ - /a/ - ca/; ke: /cờ/ - /e/ - /ke/; quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/. Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo luật chính tả : Âm /cờ/ đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u... 

Theo nhiều giáo viên Tiểu học tại Nghệ An, một trong những địa phương lựa chọn học theo tài liệu Công nghệ Giáo dục, với sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, học sinh được học luật chính tả, viết đúng hơn kiểu truyền thống. Nếu như cách học cũ học sinh lớp 3 vẫn sai nhiều thì theo chương trình này, các em viết đúng ngay từ đầu. Cách học của cuốn sách này phù hợp vùng nông thôn và vùng cao, tránh tình trạng học sinh “tái mù chữ”.

Bộ tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, Thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt-Ngữ văn cho biết: Đoạn clip cô giáo hướng dẫn dạy học đánh vần tiếng Việt phát trên mạng đang được dư luận rất quan tâm. 

Qua clip có thể thấy cô giáo đang hướng dẫn dạy học đánh vần theo phương pháp của tài liệu Tiếng Việt lớp 1, Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần theo tài liệu của Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục nói riêng phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.

Tuy vậy, PGS Bùi Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên. 

Dạy học theo tài liệu này là một trong những phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học, nhất là ở vùng khó khăn, vùng có nhiều học sinh dân tộc và đến nay đã có nhiều địa phương lựa chọn, tự nguyện áp dụng. 

Phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt  Công nghệ Giáo dục đã khiến một số người cảm thấy băn khoăn và có phần lo ngại vì đã quen với phương pháp dạy học đánh vần truyền thống và đã hiểu lầm rằng cách dạy học này sẽ được Bộ GD&ĐT áp dụng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cũng theo PGS Bùi Mạnh Hùng, sắp tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, thì SGK Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau. Chắc hẳn cuốn SGK nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.

H.Thanh
.
.
.