Chương trình Ngữ văn mới đã tăng số lượng tác phẩm bắt buộc

Thứ Hai, 23/04/2018, 08:10
Sau gần 3 tháng công bố dự thảo chương trình (CT) Ngữ văn mới, tiếp thu ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và các thầy, cô giáo, CT Ngữ văn mới đã được Ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc nhằm đảm bảo sự cân đối giữa các thể loại và giai đoạn văn học. 

Tuy vậy, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn về các tác phẩm tự chọn bắt buộc dự thảo chương trình.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên CT môn Ngữ văn mới, so với dự thảo cũ, dự thảo mới vẫn giữ nguyên 6 tác phẩm bắt buộc là Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Trãi), Truyện Kiều của Nguyễn Du (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Du),Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh (có bài khái quát về đọc tác giả Hồ Chí Minh).

Tuy vậy, dự thảo mới cũng đã điều chỉnh theo hướng bổ sung thêm một số tác phẩm bắt buộc tự chọn (các tác phẩm mà tác giả viết SGK bắt buộc phải lựa chọn trong số các tác phẩm cùng cấp độ của chương trình). Trong đó, phần tự chọn bắt buộc sẽ được phân chia theo thể loại và các giai đoạn văn học.

Dự thảo chương trình Ngữ văn mới đã điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc.

Cụ thể, trong phần văn học dân gian, ở mỗi thể loại (truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười), sẽ có thêm 1 tác phẩm bắt buộc. Phần ca dao, tục ngữ, sẽ có thêm ít nhất 3 tác phẩm bắt buộc về chủ đề quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người, xã hội (trữ tình hoặc trào phúng). 

Đối với thể loại sử thi, có thêm ít nhất 1 tác phẩm bắt buộc được lựa chọn trong 3 tác phẩm cùng thể loại. Phần truyện thơ, có thêm ít nhất một tác phẩm được chọn trong 2 tác phẩm cùng loại. 

Đối với thể loại tuồng, chèo, mỗi thể loại có thêm một tác phẩm bắt buộc được lựa chọn trong 3 tác phẩm cùng thể loại. Như vậy, ở phần văn học dân gian, sẽ có thêm ít nhất 11 tác phẩm bắt buộc, tiêu biểu cho các thể loại khác nhau.

Đối với các tác phẩm văn học viết, sẽ bổ sung thêm ít nhất 13 tác phẩm tự chọn bắt buộc được lựa chọn trong số các tác phẩm cùng loại của các tác gia Nguyễn Trãi; Nguyễn Du; Hồ Xuân Hương; Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Khuyến; Hồ Chí Minh; Nam Cao; Vũ Trọng Phụng; Xuân Diệu; Tố Hữu; Nguyễn Huy Tưởng; Nguyễn Tuân; Lưu Quang Vũ…

Nhận xét về những điều chỉnh của Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: Việc Ban soạn thảo chương trình bổ sung thêm nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc là sự điều chỉnh mang tính tích cực, góp phần giảm bớt sự mất cân đối khiến dư luận băn khoăn trước đó. 

Ở nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc, đã đưa ra một hệ thống các tác phẩm thuộc văn học dân gian và văn học viết. Phần văn học dân gian đã bao quát khá đầy đủ các thể loại, từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, sử thi, truyện thơ... với các tác phẩm quen thuộc, giá trị. Tuy vậy, TS Trịnh Thu Tuyết băn khoăn ở phần văn học viết.

Đơn cử như việc trong nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc, bộ phận văn học viết có 5 tác giả trung đại và 8 tác giả hiện đại. Đáng chú ý là sự xuất hiện lần thứ hai của 4 tác giả đã có trong nhóm tác phẩm bắt buộc gồm Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh. 

“Không phủ nhận những tác phẩm đề xuất đều là tác phẩm có giá trị, nhưng nếu cần tiết chế để bổ sung thêm sự cân đối, đầy đặn cho nhóm tác phẩm lựa chọn bắt buộc thì sự lặp lại về tác giả hay kiểu loại tác phẩm cũng nên cân nhắc”, TS Trịnh Thu Tuyết đặt vấn đề. 

Cũng theo TS Trịnh Thu Tuyết, một điểm chưa thật sự hợp lý khác là 7 tác giả của văn học hiện đại gồm Hồ Chí Minh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân đều là các tác giả sáng tác từ trước năm 1945; hoàn toàn vắng bóng các tác giả tiêu biểu xuất hiện thời kỳ sau 1945, sau năm 1975 như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Duy...

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cũng cho rằng, 6 tác phẩm bắt buộc được giữ nguyên đều chủ yếu tập trung vào hai cảm hứng chủ đạo là yêu nước và nhân đạo. 

Yêu nước và nhân đạo là những giá trị lớn của dân tộc và thời đại nhưng nếu trong bối cảnh hiện nay, chỉ dạy học sinh hướng vào hai hệ giá trị ấy thôi thì liệu đã thực sự đầy đủ và toàn vẹn? 

Có lẽ, Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung thêm số lượng tác phẩm bắt buộc, đặc biệt là giai đoạn hiện đại sau năm 1945 và 1975 để cân đối hơn về thể loại, các giai đoạn văn học cũng như làm phong phú hơn giá trị tư tưởng của tác phẩm. 

Cũng theo cô Huệ, nhìn vào danh mục tác phẩm gợi ý trong chương trình thấy xuất hiện một số tác giả trẻ chưa thực sự tiêu biểu song lại thiếu vắng một số tác giả đặc sắc như nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Thi...

Huyền Thanh
.
.
.