Căng thẳng cuộc đua vào lớp 10 công lập

Thứ Năm, 25/04/2019, 10:16
Đợt tuyển sinh 10 vào trường công hàng năm vẫn dành tới 3 nguyện vọng (NV) cho học sinh (HS) khi đặt bút lựa chọn trường. 

Thế nhưng hàng năm, với một tỉ lệ xấp xỉ trên dưới 30% trên tổng số thí sinh đăng ký tại TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ "lọt" khỏi trường công do bị khống chế bởi chỉ tiêu lấy vào. 

Nhiều học sinh lực học giỏi nhưng vẫn lọt khỏi trường tốp đầu cũng là câu chuyện không hiếm xảy ra trong các đợt tuyển sinh 10 khiến kỳ thi vẫn làm rớt nước mắt của biết bao cô, cậu học trò và phụ huynh. 

Nếu như năm 2017 - 2018, có trên 22.000 thí sinh rơi vào số phận lọt khỏi trường công, thì năm nay, con số này sẽ lên tới 32.000 thí sinh, được coi là cao nhất từ  trước tới nay.

Tỷ lệ "chọi" rất cao

Ngày 22-4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết vừa họp Ban chỉ đạo về thực hiện công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, công bố những qui định về các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi, các qui chế của kỳ tuyển sinh 10 năm nay. 

Kỳ tuyển sinh vào lớp10 luôn áp lực với không chỉ học sinh mà cả các bậc cha mẹ có con chuẩn bị hoàn thành bậc THCS.

Theo đó, ngày 26-4, các trường sẽ công bố kết quả thi học kỳ 2 của HS lớp 9; Ngày 2-5, Sở GD-ĐT sẽ công bố số liệu ban đầu về tình hình đăng ký các NV vào lớp 10 của 112 trường THPT công lập trên địa bàn. HS có thể tham khảo số liệu này để điều chỉnh lại NV, sau đó sẽ "khoá sổ" đăng ký NV.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3-6. Thí sinh dự thi 3 môn gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên hoặc môn tích hợp, tùy vào NV. 

Tuy đã có rất nhiều các cuộc giao lưu giữa cha mẹ và giáo viên chủ nhiệm nhà trường, các cuộc tư vấn về tuyển sinh 10, nhưng tâm trạng chung của các HS khối này hiện vẫn là làm sao để tránh rơi vào tình trạng "học tài thi phận", không bị rơi vào con số 32.000 thí sinh không may mắn.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP Hồ Chí Minh nhận định: “Cuộc vượt vũ môn với các em HS lớp 9 năm nay là khá gay go. Số liệu trong lần đầu tiên nộp NV đăng ký (từ 10-4 tới 16-4) tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn thành phố có gần 100.000 thí sinh tham gia đăng ký dự thi 10. Chỉ tiêu của thành phố lấy trên 67.000. Dù cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội ta đang mở ra nhiều cơ hội chọn lựa để mỗi con người có thể lập thân, nhưng vì nhiều yếu tố tác động mà chuyện đậu-rớt trong thi 10 lại nằm nhiều ở chỗ sai lầm khi đăng ký theo cảm tính, không đánh giá được năng lực, "áp" cho đúng NV. Từ đây, nó trở thành một áp lực được ví như một "cuộc đua vũ trang" với các bậc phụ huynh HS do phải đầu tư cho con đi học thêm để thi cho được, trở thành áp lực rất lớn với mỗi HS.

Một phụ huynh có con gái học tại THCS Nguyễn Du tâm sự, con gái của ông trong kỳ tuyển sinh 10 (2018-2019) đạt 37 điểm. Tuy nhiên, chỉ trúng NV2 THPT Marie Curie mà trượt THPT Nguyễn Thị Minh Khai do thiếu nửa điểm. 

Khi nhập học, ông và nhiều PHHS khác mới phát hiện một điều là, nhà trường này đã sắp xếp riêng một lớp tập trung các HS có kết quả thi đậu trên 40 điểm. Rõ ràng, nhiều HS vì lựa chọn NV không chuẩn nên 40 điểm vẫn không lọt vào được trường top đầu. Ngoài ra, vị này cũng thắc mắc, tại sao cứ tới tận tháng 4, Sở GD-ĐT mới công bố việc đăng ký NV là quá muộn. 

Thời gian tới lúc thi trong vòng 2 tháng khiến phụ huynh và HS rơi vào cảnh "vắt chân" lên cổ mà học tập, ôn luyện vẫn không kịp, dẫn tới việc nhận định không chuẩn về khả năng, sở trường, dẫn tới đăng ký sai NV. Tại sao không có thông báo từ đầu năm từ nhà trường để phụ huynh HS điều tiết, đầu tư cho con học tập hợp lý.

Cũng theo vị phụ huynh này, năm nay cũng là năm đầu tiên của kỳ tuyển sinh 10 không được cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên nghề. Như vậy, nếu căn cứ điểm chuẩn từ các năm để đăng ký NV mà phụ huynh bỏ qua yếu tố này, mà không "trừ lùi" thêm 1,5 điểm sẽ là rất "phiêu lưu" khi đặt bút chọn NV.

Đánh giá đúng lực học, cân nhắc kỹ trường và nguyện vọng

Theo thầy Trần Mậu Minh, có 2 yếu tố mà HS cần cân nhắc kĩ trước ngày 2-5. Trước hết là phải tự đánh giá được năng lực của bản thân. Xem học lực của cả năm 3 môn: Văn, Toán, Anh Văn. Tham khảo các đề thi cũ, làm thử để xem đạt được bao nhiêu điểm, kết hợp với việc tham khảo điểm chuẩn NV của các trường năm vừa rồi. 

Ngoài ra, coi điểm thi học kỳ II các môn của năm học lớp 9 này. Vì kết quả nó sẽ khá sát với "mô típ" đề thi ra chính thức. Nhưng, để chắc ăn, thì các phụ huynh chú ý, tổng điểm học kỳ 2 của 3 môn trên (Văn cộng Toán nhân 2, cộng với điểm thi môn Anh Văn) nhưng nên "trừ hao" đi thêm 10-15% mới ra điểm chuẩn khá chính xác. Ví dụ nếu điểm thi học kỳ 2 của con em ta đạt 45 điểm 3 môn thì thực tế điểm thi sẽ đạt vào 40 điểm mà thôi.

Sự biến động trong điểm chuẩn các trường trong các năm học gần đây cũng cần lưu ý. Ví như Trường THPT Thực hành Sài Gòn năm 2017 điểm chuẩn trường này là 24, nhiều HS căn cứ vào đó mà chọn đăng ký NV 1 trong kỳ thi năm 2018 nhưng không ngờ điểm chuẩn 2018 tăng lên 32 điểm nên nhiều em "ngã ngửa" trượt mất cơ hội. 

Hay như Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) năm 2018 đã có điểm chuẩn tăng từ 15 (2017) lên 22,75 điểm. Tăng tới 7,75 điểm, do vậy, tham khảo điểm chuẩn của 2-3 năm liền mới đảm bảo.

Cũng cần chú ý về chuyện chỉ tiêu. Các chuyên gia tư vấn khuyến cáo các phụ huynh hãy tham khảo trường mà con em mình đăng ký NV, chỉ tiêu có tăng không? Nếu tăng thì có nghĩa là "dễ thở" hơn. 

Năm nay có hàng loạt trường có chỉ tiêu giảm sâu như: THPT Nguyễn Du, THPT Ten lơ man. Hay ở quận 3, cân nhắc giữa hai lựa chọn: THPT Lê Quý Đôn và Marie Curie. Riêng Marie Curie năm nay tăng 165 chỉ tiêu so với năm ngoái, như vậy trường này "dễ thở" hơn. 

Riêng Trường THPT Hiệp Bình năm nay giảm tới 270 chỉ tiêu, tức là giảm đến 6 lớp 10 so với năm trước, Trường THPT Trần Khai Nguyên năm nay chỉ tuyển 675 chỉ tiêu, năm ngoái là 900 em, giảm tới 225 chỉ tiêu, THPT Phạm Văn Sáng giảm tới 225 chỉ tiêu; Trường THPT Hùng Vương năm trước tuyển 1.125 chỉ tiêu, năm nay chỉ có 945 em, giảm đến 180 chỉ tiêu.

Lựa chọn đăng ký giữa các NV1 và 2 nên chênh nhau 3 điểm vì thông thường cùng một trường, NV2 của trường, Sở GD-ĐT "có quyền" nâng lên 2 điểm, cộng với yếu tố điểm chuẩn giữa 2 năm có thể chênh 2 điểm nên HS chọn đăng ký NV vào trường có điểm chuẩn thấp hơn hay cao hơn 3 điểm mới "chắc ăn". 

Với NV3 được coi là "đi chuyến tàu vét", phải xác định, trường mà HS chọn ở vị trí "nhắm  mắt" cũng phải đậu được. Nhìn chung, về nguyên tắc, các NV phải cách nhau 3 điểm. 

Đồng thời, nên phân nhóm ra. Nhóm 1 là các trường dành cho HS xuất sắc từ 38 điểm trở lên. Nhóm 2 là HS giỏi từ 35-38 điểm. Nhóm 3 (khá giỏi) từ 32 điểm trở lên tới 35. Nhóm 4 là 28 tới 32. Nhóm trung bình là 28 trở xuống...

Huyền Nga
.
.
.