Cần tăng mức phạt với hành vi sản xuất, lan truyền video "bẩn"

Thứ Năm, 18/03/2021, 10:05
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xác định việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” của Youtuber Thơ Nguyễn lên mạng xã hội là hành vi vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ suý mê tín dị đoan, đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.


Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng phải xử phạt nặng hơn để làm gương cho các Youtuber khác. “Mức phạt này so với số tiền chủ kênh đã thu được thì chẳng thấm vào đâu và quan trọng nhất là không đủ sức răn đe, trong khi đó hậu quả ảnh hưởng đến rất nhiều học sinh”, chị Huyền bức xúc.

Trao đổi với PV Báo CAND, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua, bà liên tục nhận được những cuộc điện thoại của phụ huynh gọi đến phàn nàn việc con cái họ bị ảnh hưởng nặng nề từ clip vô bổ của Thơ Nguyễn.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương và Công an tỉnh làm việc với Youtuber Thơ Nguyễn.

Chính vì công tác kiểm soát mạng xã hội không chặt chẽ, mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm còn nhẹ nên những video không sạch vẫn còn trên mạng xã hội. 

Trên Youtube có nhiều video độc hại như kênh Mazk TV (1,78 triệu người đăng ký), trong đó có clip quay diễn tả cách ăn kẹo dẻo hình con ngươi mắt rất kinh dị đăng ngày 6/9/2019 có đến 1.165.259 lượt xem. Trong video, người nam có mái tóc nhuộm màu tím tự giới thiệu tên là Mazk Phá Phách. Người này để trên bàn trước mặt 10 chiếc kẹo hình con ngươi mắt và ăn với sự thể hiện kinh hãi…

Ngoài phim ảnh bạo lực, các video ăn sản phẩm bánh kẹo hình các bộ phận cơ thể người đang nhiễm vào đầu trẻ thơ thói hư tật xấu, tính bạo lực dã man. Trong đó, có sự tiếp tay của một số bậc phụ huynh sẵn sàng mua những loại kẹo kinh dị này cho con ăn, thậm chí mua về cả nhà cùng ăn. Kẹo bán tràn lan và video “bẩn” đăng khá lâu rồi nhưng không có một cơ quan quản lý nào vào cuộc ngăn chặn.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng hiện nay trẻ em không những bị xâm hại về thể chất mà còn bị xâm hại về tinh thần bởi môi trường mạng xã hội. Nhưng công tác quản lý, bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội hiện nay còn khá lỏng lẻo. Pháp luật chưa thật sự sâu sát về vấn đề trên, khi phát hiện vụ việc các nhà quản lý phải buộc bên cung cấp nền tảng phải tháo bỏ nội dung và chế tài nghiêm những người vi phạm. Yêu cầu người đăng tải nội dung phải xin lỗi công khai trên không gian mạng.

Theo luật sư Nữ, trách nhiệm trước tiên là cha mẹ cần quan tâm kiểm soát không cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh; đồng thời câu chuyện trẻ em với mạng xã hội cần được cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn. Các chuyên gia, cơ quan bảo vệ trẻ em cần cụ thể hóa vấn đề trẻ em với không gian mạng, ngăn chặn những video độc hại trên mạng… 

Nhà nước cần có quy định đối với mạng xã hội, nếu là của nước ngoài như Facebook, Youtube… phải tuân thủ quy định của Việt Nam, những người đăng tải video lên mạng vi phạm quy định phải xử phạt thật nặng nếu không sẽ cấm hoạt động.

Nguyễn Cảnh
.
.
.