Từ clip “xin vía học giỏi từ búp bê” của Thơ Nguyễn:

Phải quyết liệt loại bỏ những video clip độc hại

Thứ Năm, 11/03/2021, 17:01
Mấy ngày nay, dư luận đang phản ứng gay gắt với video clip “xin vía học giỏi từ búp bê” đăng trên Tiktok của YouTuber Thơ Nguyễn. Video clip đã khiến các bậc phụ huynh liên tưởng hiện tượng nuôi búp bê Kumathong- một loại búp bê bùa ngải xuất xứ từ Thái Lan và truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan “chỉ cần xin vía búp bê là học giỏi”. 


Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở video clip này bởi hiện trên các trang mạng xã hội hiện vẫn có rất nhiều những video clip có nội dung nhảm nhí thậm chí xấu độc đang tác động, làm ảnh đến suy nghĩ, hành động của người xem nhất là trẻ em.

Chỉ cần xin vía búp bê là học giỏi?

Trở lại với video clip “xin vía học giỏi từ búp bê”, Thơ Nguyễn xuất hiện trong video clip với một ngoại hình khá kỳ dị khi gương mặt thể hiện sự nghiêm trọng trong đôi mắt kính to dị thường. Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi là Cư Ma Mập, tự xưng “mẹ” và gọi búp bê là “con”, dỗ dành búp vê để xin “vía” học giỏi cho các em học sinh . “Xin vía học giỏi là điều gì đó không sai trái nên chị sẽ xin giúp các em”, Thơ Nguyễn nói. Sau đó, cô này cho biết kết quả cầu vía sẽ phụ thuộc việc đầu búp bê lắc ngang hay dọc. 

Youtuber này cầm một sợi dây chuyền đung đưa trước mặt búp bê và nói: “Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ này, mai các anh chị đi học rồi, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được thì con lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc đi, lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay…”. 

Hình ảnh được cắt từ video clip xin vía học giỏi từ búp bê của Thơ Nguyễn

Thơ Nguyễn cho Cư Ma Mập “uống” nước ngọt như một hình thức tăng hiệu quả cho lời cầu. Hình ảnh lon nước phun trào cuối clip được Thơ Nguyễn  nhận định do Cư Ma Mập uống tham “nhưng sẽ giúp các em học giỏi”. Sau khi đăng tải, video này có hàng trăm nghìn lượt yêu thích, cao hơn nhiều so với các nội dung khác trên kênh.

Tuy nhiên, video clip này hiện bị nhiều phụ huynh lên án và phản đối gay gắt, quyết liệt vì cho rằng tuyên truyền mê tín dị đoan bởi con búp bê có tên Cư Ma Mập trong clip khiến người xem liên tưởng đến búp bê Kumathong (hay còn gọi là Quỷ Linh Nhi)- một loại búp bê bùa ngải có xuất xứ từ Thái Lan. Và đặc biệt, theo như nội dung của clip này thì chỉ cần dùng kumanthong cầu vía là học giỏi. 

Chị Hoài An, phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi đã từng đọc về những hệ lụy không tốt mà búp bê Kumathong mang lại. Nay Thơ Nguyễn, một nhân vật trên mạng xã hội mà con tôi rất hay xem lại mang con búp bê này ra để cầu vía học giỏi khiến các cháu tin tưởng và thậm chí là làm theo việc chỉ cần cầu vía từ búp bê Kumathong là học giỏi. ”. 

Nặng nề hơn, không ít phụ huynh cho rằng YouTuber Thơ Nguyễn đang tạo một video clip búp bê bùa ngải mà đối tượng hay theo dõi các clip của Thơ Nguyễn lại là trẻ em. “ Thật kinh dị, mang cả búp bê bùa ngải để “tẩy não” trẻ em, làm trẻ em suy nghĩ lệch lạc, méo mó. Từ nay mình sẽ không cho con mình xem các video clip của Thơ Nguyễn”, chị Nguyễn Hương, một phụ huynh trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ. 

Còn Anh Trần Cường, một phụ huynh học sinh trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thì bức xúc: “Tôi đã đọc những hệ lụy rất nguy hiểm từ việc nuôi búp bê Kumathong, giờ lại còn có người hướng dẫn các cháu xin vía học giỏi từ búp bê Kumathong. Phải cấm hẳn những kênh có nội dung phản giáo dục như thế này”.

Mặc dù sau đó Thơ Nguyễn đã cho biết, búp bê trong video clip không phải là Kumanthong, mà chỉ là búp bê thông thường và thực ra đó chỉ là một trò đùa của cô. Tuy nhiên, làn sóng phản đối và tẩy chay nữ YouTuber này không ngừng tăng lên.

Mạng ảo và những cái chết thật

Kênh youtube của Thơ Nguyễn hay còn được các em nhỏ gọi với cái tên rất thân mến là chị Thơ Nguyễn hiện đang là một trong những kênh thu hút rất đông sự quan tâm của trẻ em. Tuy nhiên, lật lại những clip mà YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng tải trong thời gian qua, người xem không khỏi giật mình khi có không ít clip mang nội dung phản cảm và người xem không biết tính giáo dục đối với trẻ nhỏ trong clip là như thế nào. Điển hình như clip “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” với những tiếng “rên rỉ” rất phản cảm; bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung; đun bia, nước ngọt trên bếp…

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, để làm ra được một clip sau đó chia sẻ lên mạng xã hội là một điều khá dễ dàng. Bên cạnh những video được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh với nội dung hữu ích, lành mạnh thì lại xuất hiện rất nhiều sản phẩm có nội dung nhảm nhí, thậm chí điên rồ, gây sốc. Dường như càng độc, lạ và nhảm nhí, những video này lại càng thu hút người xem nhất là trẻ em. Nguy hiểm hơn khi hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vì bận rộn với công việc mà giao cho con chiếc điện thoại thông minh và không kiểm soát những nội dung con em mình xem trên các trang mạng. 

Điều này vô tình đã giúp cho những video này nhanh chóng được trẻ nhỏ tiếp cận, tò mò thích thú dõi theo và kết quả là học làm theo. Nhiều video mang nội dung độc hại trên mạng ảo nhưng đã để lại những hậu quả khôn lường, thậm chí là cái chết của trẻ nhỏ trong cuộc sống đời thực khiến rất nhiều người phải đau lòng. Điển hình như vụ việc về trường hợp của một bé gái mới 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã tử vong vì làm theo video hướng dẫn trò thắt cổ trên yotube trong tháng 10/2020. Chỉ vì tò mò mà bé đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà… và bắt chước. 

Trước đó, tháng 11/2019, bé trai 7 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh đã làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên mạng xã hội. Khi gia đình phát hiện ra bé thì toàn thân bé tím ngắt, rất may mắn bé đã được các bác sỹ can thiệp kịp thời và không mất mạng.  Còn tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận cháu M.Đ, 15 tuổi, quê Hải Dương trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video clip hướng dẫn trên youtube.

Chắc chắn đây chưa phải là dấu chấm hết cho những hệ lụy khôn lường từ việc xem và học làm theo những video clip có nội dung xấu, độc đang tràn lan trên mạng nếu như chúng ta không mạnh tay triệt để loại bỏ những clip độc hại. Việc phạt tiền đối với các kênh sản xuất nội dung xấu chỉ là một phần của câu chuyện. Hiện nay, không ít người làm nội dung vì lợi nhuận hoặc câu view sẽ tìm cách lách luật hoặc đưa những nội dung của mình tiệm cận vào mức độ bị phạt hoặc bị cấm như sử dụng các câu từ lóng, từ viết tắt, thay vì mặc hở thì mặc mỏng… 

“Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải biết “tự vệ” - tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu, độc trong đó có các video xấu, độc. Đối với lứa tuổi trẻ nhỏ, tầng lớp thanh thiếu niên- khả năng “tự vệ” còn yếu ớt cần có sự kết hợp của gia đình, nhà trường để hướng dẫn, giáo dục các cháu có khả năng phản ứng “tự vệ” với các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các nhà mạng có máy chủ ở nước ngoài để ngăn chặn triệt để các thông tin này” ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ quan điểm.

Mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc do có dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan

Ngày 11/3, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đơn vị này đã nắm được thông tin và đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ-Bộ Công An liên quan đến trường hợp của Youtuber Thơ Nguyễn. 

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện Cục đang phối hợp với lực lượng Công an để mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc do có dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan như tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumanthong, sau đó sẽ xử lý theo quy định. Trong trường hợp Thơ Nguyễn không hợp tác, Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ đề nghị Google chặn kênh. 

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, trong thời gian qua, Google đã phối hợp tích cực với cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc ngăn chặn những kênh YouTube có nội dung xấu, độc, vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ suý bạo lực, có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan. Các kênh YouTube này thậm chí có thể bị đưa vào danh sách không được nhận tiền quảng cáo. 

Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử khuyến cáo phụ huynh cần sàng lọc thông tin trước khi cho con em mình tiếp xúc. Mục đích cuối cùng của chủ kênh YouTube, các TikToker là lượt người xem, lượt follow. Do vậy, chỉ cần không xem, chia sẻ và theo dõi, chúng ta đã có thể góp phần chặn nguồn thu của các kênh xấu, độc. 

Trước đó, trong 2 ngày 25 và 27/2, Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong lên mạng xã hội TikTok. Đáng chú ý, ở clip đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn cho biết mình thực hiện video dùng búp bê để “xin vía học giỏi” do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ”. Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và nhận phải nhiều phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng mạng.

Nguyễn Hương-Huyền Thanh
.
.
.