Cần nhiều giải pháp chống bạo lực học đường
- Từ cuộc chiến trên mạng xã hội đến bạo lực học đường
- Tuyên truyền chống bạo lực học đường bằng phiên tòa giả định
GS.TS.BS Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 kể: “Trong buổi giao ban Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận một học sinh (HS) tiểu học bị thương vùng kín. Nguyên nhân được biết trong lúc giờ ra chơi, tranh cãi nhau cái gì không rõ, hai em xông vào đánh nhau, em này bị cậu bạn học cùng lớp đá một phát… chí mạng. Mới là HS tiểu học mà đã đánh nhau cỡ đó khiến chúng tôi thấy rất lo lắng".
Cũng theo GS Trần Đông Đông A, trước đó 2 tuần lễ, Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn phải bấm nút báo động đỏ toàn BV khi tiếp nhận một nạn nhân của BLHĐ là 1 HS THCS. Bệnh nhân khi được đưa vào Khoa cấp cứu trong tình trạng còn nguyên một cái kéo bị bạn học cùng lớp đâm vào ngực. HS này bị thương trong tình trạng nguy kịch vì máu ra quá nhiều.
Khoa Cấp cứu huy động các bác sĩ chuyên khoa vào mổ gấp. Phải truyền tới 4 lít máu để cứu HS này, cuộc phẫu thuật lấy kéo ra khỏi người bệnh an toàn với vết thương làm đứt mạch máu liên sườn. Rất may là mũi kéo đã không làm thủng mạch máu chủ, nếu không khó có thể cứu được.
Cùng chung nỗi lo lắng về vấn đề đạo đức học sinh, BLHĐ, ông Trần Ngọc Thổ, Hội nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh nói: “Báo cáo của ngành giáo dục thành phố có con số: 100% HS tiểu học có hạnh kiểm tốt về đạo đức với các tiêu chí: biết tự học, chăm làm, tự tin, thực hiện kỉ luật, đoàn kết... Tuy nhiên kết quả có thực sự tốt tuyệt đối như vậy hay không. Cần phải xem xét lại vì năm học 2015-2016, toàn thành phố có 72 em bỏ học/tổng số 580.043 HS. Năm 2017 có 173 HS bỏ học".
Theo ông Thổ, tỉ lệ HS có hạnh kiểm yếu kém của khối THPT năm học vừa qua tăng 10 lần so với khối THCS, đã phản ánh tâm lý học trò có sự thay đổi, nhà trường và gia đình đã không nắm bắt kịp để giáo dục đạo đức với lứa tuổi vị thành niên, BLHĐ vẫn không giảm từ một trong những nguyên nhân này.
“Tại TP Hồ Chí Minh không nổi rộ những vụ việc HS bị đánh hội đồng, bị túm tóc, bị bạn đánh hay bị bạn lột quần áo... như đã xảy ra tại Nghệ An, Thanh Hoá, nhưng năm học 2016-2017 thành phố vẫn có 980 HS bị xếp loại hạnh kiểm yếu, kém. Ngành Giáo dục hết sức chú ý vì khả năng xảy ra BLHĐ ở con số này", ông Thổ băn khoăn.
Cũng theo ông Thổ, đáng lo ngại hơn khi gần đây xảy ra BLHĐ giữa thầy và trò, qua những vụ việc đau lòng đó, người thầy cũng cần xem lại cách giáo dục của mình, vì lẽ gì để chính HS mình dạy dỗ có hành vi vô lễ, vô đạo đức như vậy.
GS Trần Đông A phân tích thêm: "Chúng ta đang trong giai đoạn thực hiện nghị quyết của TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Riêng với TP Hồ Chí Minh còn có mục tiêu trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đáng sống. Như vậy, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Đề án xây dựng thành phố thông minh cũng đã thông qua.
Trong mục tiêu tiếp cận "công nghệ 4.0" cũng đã nhấn mạnh: đào tạo con người trước, đào tạo kĩ năng sau; chú ý chất lượng trước, số lượng sau và phải đào tạo con người cụ thể hoà nhập quốc tế. Vì vậy, năm học mới 2017-2018 đang đến rất gần, vấn nạn BLHĐ cần phải được giảm thiểu, giúp cho môi trường giáo dục an toàn, thân thiện hơn”.
"Thay mặt nhiều cử tri quan tâm tới vấn đề giáo dục, chúng tôi đề nghị ngành Giáo dục thành phố cần phải biết những vụ việc BLHĐ trên và thống kê cụ thể. Theo đó, ngành nên lấy ý kiến đóng góp của nhiều ban, ngành hỗ trợ để có giải pháp cụ thể. Việc học tập dạy dỗ các em tại nhà trường hiện nay ra sao, nhất là môn học đạo đức, lối sống cho HS.
Việc phát động trong nhà trường học tập làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện tới đâu, ngành Giáo dục không nói chung chung nữa. Khi mà HS cứ đụng chuyện nhỏ xíu mà đã xông vào ẩu đả, đánh nhau thì lỗi này nằm ở giáo dục rất nhiều", GS Trần Đông A kiến nghị.