Cân nhắc kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại

Thứ Bảy, 15/02/2020, 08:42
Chiều tối 14/2, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần để phòng tránh dịch. Thông tin này đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh. 

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt Hà Nội lại nằm sát ngay “tâm dịch” Vĩnh Phúc và lứa tuổi học sinh, nhất là bậc tiểu học và mầm non, ý thức và khả năng tự bảo vệ của các em còn nhiều hạn chế thì quyết định trên của Hà Nội là hoàn toàn phù hợp.

Cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần hay đi học trở lại đã và đang là chủ đề được nhiều phụ huynh tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước quan tâm và bàn luận nhiều nhất trong thời điểm hiện nay. Trong đó, đa phần các ý kiến đều bày tỏ sự chưa an tâm khi cho con đi học trở lại vào đầu tuần tới.

Các địa phương cần cân nhắc kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại

Chị Phan Thúy Thảo, một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Con thèm đi học lắm rồi. Mẹ cũng đau đầu với chuyện hò hét 2 thằng suốt ngày rồi, công việc lại đình trệ. Nhưng bảo cho con đến trường lúc này thì thực sự là hãi. Việc Hà Nội quyết định cho con được nghỉ học thêm một tuần nữa là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh học sinh”.

Chị Lê Huyền Trang, một phụ huynh có 2 con học THCS ở quận Hoàng Mai cũng bày tỏ lo lắng khi con đi học trở lại vào đầu tuần tới. Do vậy, với quyết định học sinh được nghỉ học thêm một tuần, chị cho biết bản thân chị và nhiều phụ huynh trong lớp của con đều cảm thấy nhẹ nhõm và như trút được gánh nặng tâm lý.

Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh ở quận Cầu Giấy cũng thở phào khi cho rằng: “Nếu các con đi học trở lại trong đầu tuần tới, phải học chung, chơi chung, ngủ chung, đi vệ sinh chung... Dù trường có vệ sinh khử trùng cỡ nào cũng không thể an toàn. Ai dám chắc trong mấy triệu học sinh (không tính những cháu đã được phát hiện và cách ly ở Vĩnh Phúc) có gặp, tiếp xúc hay lui tới các vùng dịch hay không?

Cũng không thể cả ngày bắt chúng đeo khẩu trang, 10 phút sát khuẩn tay một lần… Các thầy cô đâu phải bảo mẫu để nhắc nhở chúng liên tục 8 tiếng/ngày. Do vậy, việc Hà Nội cho học sinh nghỉ học thêm một tuần để phòng tránh dịch bệnh là hoàn toàn hợp lý”.

 TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Hiện nhiều trường học trên cả nước đang chờ lệnh của các cơ quan quản lý để quyết định việc có cho học sinh đi học trở lại vào tuần tới hay không.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước khi đưa ra quyết định cho học sinh đi học trở lại hay nghỉ tiếp, các cơ quan quản lý chức năng liên ngành gồm ngành Y tế, giáo dục, Công an địa phương cần ngồi lại với nhau để thảo luận nghiêm túc về các vấn đề liên quan, các nguy cơ thực tế.

Phun xịt khử trùng tại các trường học. Ảnh: TTXVN

Nếu trong 2 tuần qua, xét thấy các yếu tố quản lý đầu ra, đầu vào, hệ thống người dân di chuyển… kiểm soát được, đảm bảo được thì có thể cho học sinh đi học trở lại. Còn nếu thấy vẫn chưa yên tâm thì có thể cho học sinh nghỉ học thêm. Bởi lẽ tại thời điểm này, chúng ta không thể tham lam về kiến thức mà phải đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu.

Ông Lâm cũng đưa ra gợi ý, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cũng rất cần tư duy quản lý mở, tức là trao quyền cho phụ huynh để họ được tự quyết định việc cho con trở lại trường hay không. Nếu trong trường hợp trường học mở cửa trở lại nhưng phụ huynh vẫn chưa thấy yên tâm, sẵn sàng thì vẫn có thể cho con ở nhà và cam kết sẽ đảm bảo bù đắp kiến thức cho con.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có một số địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT việc sẽ cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17-2 sau 2 tuần tạm nghỉ để phòng, phòng chống dịch Covid-19.

“Tôi được biết lãnh đạo những địa phương này trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế và Sở GD&ĐT, đã cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh ở địa phương để đưa ra quyết định cho học sinh đi học trở lại” - Bộ trưởng cho hay. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Giáo dục, do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp nên các địa phương cần cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại, chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giáo viên, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường

Một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm khi các địa phương dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ 17-2 là học sinh sẽ sử dụng khẩu trang như thế nào, các con có phải đeo 24/24h trong suốt thời gian học ở trường hay không? 

Về vấn đề này, trong Công văn số 180 gửi Bộ GD&ĐT về phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, Bộ Y tế khuyến cáo, trước khi học sinh, sinh viên, học viên quay trở lại học, nhà trường phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng, được vệ sinh sạch sẽ. 

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường. Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh thì phải đảm bảo mỗi học sinh có 1 khăn riêng và giặt sạch khăn với xà phòng sau mỗi ngày học. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ,  có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học. 

Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Đặc biệt, trong thời gian học sinh ở trường, không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết. (PV)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, Bộ GD&ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học nếu cần thiết.

Huyền Thanh
.
.
.