Cần có chiến lược bài bản phát triển nguồn nhân lực logistics

Chủ Nhật, 10/01/2021, 08:23
Số lượng sinh viên học chuyên ngành logistics của cả nước nói chung, tại thành phố Hải Phòng nói riêng còn ít so với nhu cầu thực tiễn. Để giảm bớt khoảng trống về nhân lực lĩnh vực này, phương án đào tạo tại chỗ, tăng cường liên kết đào tạo theo chương trình tiên tiến của thế giới là giải pháp khả thi.


Quy mô đào tạo nhỏ

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Hàng hải Việt Nam là đơn vị có mã ngành đào tạo logistics quy mô của cả nước, song mỗi năm cũng chỉ có khoảng 300 sinh viên chuyên ngành này và 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần lĩnh vực logistics như kinh tế biển, kinh tế vận tải thủy, kinh tế ngoại thương.

Ở quy mô quốc gia, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ngành logistics năm 2020 của 30 trường đại học có chuyên ngành này là khoảng 3.000 sinh viên. Các trường cao đẳng có chương trình logistics, gần với logistics mỗi năm đào tạo khoảng 800 đến 1.000 nhân lực.

Theo đại diện Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong Sách trắng logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) năm 2018, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics từ năm 2018 đến 2030 khoảng 1.600.000 người. Nhu cầu lao động logistics cần đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khoảng 600.000 người. Như vậy, đến năm 2030, cả nước cần khoảng 2.200.000 nhân lực làm về lĩnh vực logistics.

Do đào tạo chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn nên các doanh nghiệp đều triển khai phương thức tự đào tạo, bổ sung kiến thức cho nhân viên phù hợp với yêu cầu công việc.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có nhiều lựa chọn cho công việc tương lai.

Đại diện một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết, logistics là chuyên ngành rộng, liên quan đến nhiều khâu từ kiểm soát đầu vào, đầu ra của hàng hóa đến làm thủ tục hải quan, thực hiện các yêu cầu đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng quy định của nước sở tại. Do nguồn nhân lực về logistics còn ít nên các doanh nghiệp thường phải kết hợp với nhiều đối tác để giao nhận hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy định.

Cần chiến lược đào tạo nhân lực logistics bài bản

Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng cho Hải Phòng trở thành trọng điểm dịch vụ logistics của cả nước.

Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng có nhiều nền tảng để thực hiện mục tiêu này như cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc, hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối liên hoàn và khá đồng bộ, trong đó Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được kết nối thuận tiện với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi container, kho ngoại quan.

Ông Nguyễn Văn Tùng cũng chỉ ra, trong "chuỗi" hoạt động logistics, Hải Phòng hiện vẫn chỉ thực hiện ở những công đoạn thô, chủ yếu là bốc xếp, kho bãi và vận chuyển đường bộ, nguồn thu từ những công đoạn này thấp, ít tạo giá trị gia tăng. Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động logistics của Hải Phòng vẫn còn manh mún do nguồn nhân lực cung cấp cho logistics còn thiếu và yếu.

Để đạt mục tiêu phát triển hệ thống logistics theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững, giúp Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc gia, có vai trò quốc tế, UBND TP đã ban hành Quyết định 549/QĐ-UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển logistics Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Trong quyết định, Hải Phòng đưa ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, gồm: Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về kinh phí trong tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, khai thác trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực này. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được hỗ trợ tiếp tục phát triển trung tâm đào tạo logistics nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cho thành phố, đất nước và khu vực. Nguồn lực trong nước, quốc tế được tăng cường tài trợ cho các chương trình hợp tác, đào tạo về lĩnh vực này.

Chia sẻ một số đề xuất phát triển nguồn nhân lực logistics, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho rằng: Trước hết, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ trong tổ chức các khóa, chương trình đào tạo theo giáo án tiên tiến để đáp ứng tốt đòi hỏi từ thực tiễn; phát huy thế mạnh của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn từ các đơn vị đào tạo về lĩnh vực này. Các khóa học tập trung vào các mảng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật trong nước, quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có. 

Việc đào tạo nhân lực cho ngành logistics cần bài bản, chuyên nghiệp hơn; nên nghiên cứu các chương trình học của những nước thành công trong hoạt động logistics để sàng lọc, bổ sung và chuẩn hóa chương trình của Việt Nam cho các cấp độ, chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành. Các doanh nghiệp tiếp tục tạo động lực để đội ngũ nhân lực logistics gắn bó với doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực logistics trình độ cao thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho biết, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang đào tạo hai chuyên ngành về logistics, trong đó có chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trên cơ sở hợp tác với đối tác nước ngoài là Học viện Hàng hải California, Hoa Kỳ. Ngoài các học phần trên lớp truyền thống, tất cả sinh viên đều tham gia ba đợt thực tập để nâng cao kinh nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp vận tải, cảng biển, kho bãi, xuất nhập khẩu và logistics mà nhà trường liên kết. Chương trình giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực tế nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết cho công việc sau này.

Minh Thu
.
.
.