Đầu tư hạ tầng logistics hiện đại để hút vốn đầu tư

Thứ Hai, 14/12/2020, 08:40
Đầu tư cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hoá được xem như là chìa khoá để giải quyết điểm nghẽn trong việc thu hút đầu tư và cắt giảm chi phí dịch vụ logistics. Trước sự hội nhập sâu rộng, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực thì trước tiên phải đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các trung tâm logictics tại các vùng kinh tế trọng điểm.


Tạo dựng mạng lưới logistics thông minh

Ngành logistics Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Việc xây dựng trung tâm logistics đã và đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và đảm bảo sức cạnh tranh của toàn bộ dịch vụ logistics.

Mới đây, tại lễ khởi động Mạng lưới Logistics ASEAN, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, quy mô 83ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU. 

Với vị trí chiến lược tại tỉnh Vĩnh Phúc, có khả năng tiếp cận 20 khu công nghiệp, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ đóng vai trò là trung tâm cung cấp dịch vụ logistics cho các cơ sở sản xuất này, dự kiến sẽ phát triển theo cấp số nhân khi các hoạt động sản xuất đang chuyển dịch sang Việt Nam.

Ngành logistics vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: CTV.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, Vĩnh Phúc hiện có khoảng 160 mặt hàng được xuất khẩu, nên việc đầu tư xây dựng Trung tâm Logictics là rất cần thiết để tỉnh có thể giao thương, hợp tác thuận lợi với các nước trên thế giới.

Tại Hà Nội, hiện có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ khác nhau. Thời gian qua, thành phố đã quan tâm, phát triển hạ tầng logistics. Đến nay, trên địa bàn có hai trung tâm logistics đang hoạt động tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên và tại ga Yên Viên, huyện Gia Lâm.

Gần đây nhất, ngày 1/8, ICD Long Biên (số 1 đường Huỳnh Tấn Phát, Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên), do Công ty CP Hateco Logistics làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Cảng có tổng diện tích lên tới 120 nghìn mét vuông, hoạt động 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần, được trang bị sân bãi kiểm hóa hải quan có sức chứa cùng lúc hơn 100 xe container và được Tổng cục Hải quan đầu tư trang bị hệ thống máy soi hiện đại di động Eagle M60.

Hàng hóa từ nước ngoài về sẽ được vận chuyển thẳng tới cảng cạn Long Biên và mở tờ khai tại đây, giúp DN tiết kiệm thời gian, tối ưu các loại chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc và ùn tắc ở cảng biển, cửa khẩu. Từ địa điểm này, hàng hóa cũng dễ dàng di chuyển đến trung tâm TP Hà Nội, cảng biển quốc tế Hải Phòng, sân bay quốc tế Nội Bài, các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội.

Với lợi thế về mạng lưới hạ tầng thuận lợi, Hà Nội đang là điểm đến mà nhiều DN logistics lớn trên thế giới quan tâm đầu tư. Nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới DHL Express đã khai trương Trung tâm khai thác phía Đông Hà Nội với tổng diện tích 5.800m², vốn đầu tư 143 tỷ đồng, trong đó có 55% diện tích được sử dụng cho mục đích khai thác.

Trung tâm này được trang bị các thiết bị hiện đại nhằm tối ưu hóa các quy trình và gia tăng xử lý hàng hóa, sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động giao thương giữa Việt Nam với toàn thế giới.

Xây dựng các trung tâm logistics chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế cho rằng, trung tâm logistics được coi là yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics. Trung tâm logistics có vai trò giúp cho nhà xuất nhập khẩu và những chủ hàng nội địa có thể luân chuyển hàng hóa một cách hiệu quả với giá thành thấp. Hiện nay, chi phí về logistics chiếm khoảng 21% tổng GDP của Việt Nam. Do đó, việc phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn sẽ giúp cắt giảm chi phí logistics.

Đầu tư xây dựng trung tâm logictics là rất cần thiết để các địa phương có thể giao thương, hợp tác thuận lợi với các nước trên thế giới.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), thời gian qua, ngành dịch vụ, cụ thể là xây dựng hạ tầng, logistics, cho thuê nhà xưởng xây sẵn..., đang thu hút nhiều vốn đầu tư lẫn sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong 10 tháng đầu năm, có đến 18 dự án đầu tư của DN trong nước đầu tư vào phát triển hạ tầng nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng, kho vận, logistics cho thuê với tổng vốn lên đến 93,23 triệu USD, chiếm 37,15% tổng vốn đầu tư của DN trong nước rót vào các KCN.

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam - Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) cho biết, bất động sản logistics hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi các DN sản xuất trong và ngoài nước đang có nhu cầu mở rộng thị phần ở Việt Nam. Do bất động sản logistics phục vụ cho lưu chuyển, lưu thông, đồng thời phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu cao nên đây là một cơ hội lớn đối với ngành logistics.

Nhu cầu kho bãi lớn và các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy những tiềm năng nên đang đầu tư mạnh mẽ vào thị phần này. Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng đang nỗ lực, cố gắng xây dựng quỹ đất để phát triển các vị trí nhà kho, đặc biệt xây dựng ở vị trí thuận lợi, có kết nối hạ tầng tốt, thuận lợi đi vào các thành phố trung tâm, cảng biển.

Để phát triển các trung tâm logistics, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Cảng quốc tế Long An kiến nghị, việc phát triển các trung tâm logistics đòi hỏi thời gian xây dựng lâu dài và đầu tư lớn nên Chính phủ cần có các chính sách để kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Cụ thể như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp... Bên cạnh đó, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ, gắn với quy hoạch chung, với các mục tiêu phát triển của địa phương, khu vực, vùng miền, quốc gia...

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ KH&ĐT, Bộ Giao thông vận tải…) và các địa phương rà soát, triển khai phát triển hạ tầng logistics theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược liên quan, trong đó chú trọng tới các trung tâm logistics; sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông...

Lưu Hiệp
.
.
.