Cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục: Dạy trẻ tư duy khác biệt

Thứ Năm, 22/11/2018, 08:08
Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện là một trong những từ khóa được “truy lùng” nhiều nhất trên các công cụ tìm kiếm hiện nay. Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi như thế nào đối với tương lai con trẻ? Phụ huynh cần chuẩn bị những gì để con có thể tận dụng tối đa những cơ hội và tự tay vẽ nên tương lai của chính mình?

Đây thực sự là mối quan tâm của không ít phụ huynh hiện nay, nhất là các gia đình đang có con học tiểu học.

Chia sẻ với các phụ huynh Việt Nam tại buổi Tọa đàm “Con làm chủ kỷ nguyên 4.0 với tư duy sáng tạo” do CMS Edu Việt Nam phối hợp cùng với CMS Edu Quốc tế và Tập đoàn E-Group tổ chức tại Hà Nội, ông Lee Chung Koog, Phó Chủ tịch Hiệp hội Olympiad Toán học thế giới WMO (World Mathematics Olympiad), đồng thời là nhà sáng lập CMS Edu Quốc tế cho rằng: Trong 10, 20 năm tới đây, con trẻ của chúng ta sẽ làm những công việc mà bây giờ chúng ta thậm chí còn chưa biết là gì. Nếu phụ huynh bị phụ thuộc hoàn toàn vào những cuốn giáo trình được soạn cách đây hàng thập kỉ, con sẽ là ai khi bước ra thế giới năng động đang không ngừng biến đổi?

Điều này đòi hỏi những bậc làm cha làm mẹ ngay từ bây giờ phải có định hướng rõ ràng hơn cho con trẻ, luôn khuyến khích con chủ động tư duy, tìm tòi, học hỏi không ngừng, đón đầu xu hướng, thậm chí sáng tạo ra xu hướng thay vì chờ đợi kiến thức được “rót” vào đầu một cách thụ động. 

Để có thể bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0, trẻ em cần được truyền đạt cách thoát khỏi tư duy gò bó.

Người sáng lập CMC Edu Quốc tế cũng khẳng định: Nếu không có tư duy sáng tạo, không thể tồn tại trong kỷ nguyên mới. Mặc dù, chúng ta rất tin tưởng vào trường học. Tuy nhiên, xu thế cho thấy, giáo dục trong các hệ thống trường công sẽ khó lòng đáp ứng được những đòi hỏi của tương lai. Đây là tình trạng chung của nhiều nước, kể cả Hàn Quốc vì việc đầu tư kinh phí cho các trường công để thay đổi, thích ứng là vô cùng nhiều, ngân sách quốc gia khó lòng đáp ứng được.

Do vậy, đây thực sự là cơ hội cho các trường tư, nhất là các trường nắm bắt được xu thế theo hướng “đi tắt, đón đầu” và coi trọng phát triển cá tính, năng lực sáng tạo của trẻ.

PGS. TS Đặng Quốc Bảo, Trưởng ban Tư duy giáo dục thuộc Trung tâm khoa học tư duy, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Mỗi đứa trẻ cần phương pháp giáo dục khác nhau. Mỗi một đứa trẻ một cách học khác nhau. Nếu chúng ta cứ dạy trẻ 1 cộng 1 bằng 2 sẽ hạn chế tư duy của trẻ.

Cũng theo PGS Đặng Quốc Bảo, từ khóa của thế kỷ 21 phải là tư duy khác biệt. Tư duy này cần được nuôi dưỡng và phát triển tự nhiên. Ngoài trí thông minh, trẻ còn cần kỹ năng xã hội và khả năng sáng tạo, vừa cần được nuôi dưỡng vừa cần để phát triển tự nhiên. Do đó, phụ huynh không nên gò bó con, thay vào đó hãy cho con không gian để sáng tạo, tự do trong khuôn khổ. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu những năm cuối tiểu học trẻ được bồi dưỡng, trí tưởng tượng và tư duy trực quan sẽ đi xuống.

Các chuyên gia cho rằng, Toán là một trong những môn học có khả năng kích thích tư duy sáng tạo của trẻ. Ảnh: minh họa.

“Môn toán là một trong những công cụ chính để khơi gợi trí tò mò của trẻ, nó có khả năng truyền đạt khả năng tư duy mọi vấn đề. Bởi tư duy logic là khởi đầu quan trọng cho các tư duy khác như tư duy hệ thống, tư duy biện chứng, tiến đến là tư duy sáng tạo… Thay vì để con học toán một cách thụ động và dập khuôn, phụ huynh nên cho con tiếp cận toán tư duy sáng tạo ngay từ nhỏ. Điều này không những giúp con trẻ có kết quả học tập tiến bộ hơn mà còn giúp con xây dựng được nền tảng tư duy vững chắc, luôn mong muốn khám phá những điều mới lạ và tăng khả sáng tạo trong học tập cũng như công việc sau này”, PGS Đặng Quốc Bảo đưa ra gợi ý.

GS. Phan Văn Trường - chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế cũng nêu quan điểm: Để có thể bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0, người trẻ cần đọc, học, trao đổi, tham khảo, so sánh và cạnh tranh nhiều và hãy “phóng thích” mình khỏi những gò bó. Nếu các gia đình giáo dục con theo kiểu gò bó sẽ làm cho thế hệ tương lai thiếu khả năng nắm bắt làn sóng cách mạng công nghệ.

Nếu các bà mẹ Việt Nam vẫn cứ tiếp tục bao bọc con thì sẽ vô cùng tai hại cho chúng. Còn nếu ném con xuống biển để con tự học bơi thì đó là tư duy muôn thuở của người Tây Âu, nhưng có thể chuẩn bị cho con cái ra đời với tinh thần tự lực tự cường. Những đứa con ấy sẽ gia nhập cách mạng công nghiệp 4.0 dễ dàng hơn.

Huyền Thanh
.
.
.