Quá tải trường lớp và sức ép từ “quả bom” dân số

Bài 2: Hệ lụy từ những lớp học bị “nhồi nhét”

Thứ Bảy, 21/01/2017, 08:49
Không chỉ phải nghỉ học luân phiên, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đang phải “gánh” sĩ số lớp học gần gấp đôi so với tiêu chuẩn dù diện tích lớp học vẫn chỉ là 67m².

Việc học sinh bị “nhồi nhét” trong một không gian quá chật chội, thiếu ôxy không chỉ khiến phụ huynh lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của các con, mà chính giáo viên cũng rơi vào tình trạng quá tải vì không thể quán xuyến hết khối lượng công việc nặng nề trên lớp.

Theo quy định, với cấp tiểu học, sỹ số là 35 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội đô của Hà Nội, đặc biệt là tại các KĐT, nhà chung cư, sỹ số học sinh đều trên 50 cháu/lớp. 

Tại quận Hoàng Mai, do tốc độ gia tăng dân số cơ học, năm học 2016-2017, trên địa bàn toàn quận đã tăng thêm 6.000 học sinh, phần lớn là bậc mầm non và tiểu học. Ở cấp học mầm non, số trường công trên toàn quận mới đảm bảo được 40,7%, cấp tiểu học là 82,8% và cấp THCS là 74,3%. 

Trong đó, khó khăn nhất là tại các phường Hoàng Liệt, Định Công, Đại Kim - nơi mà tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với việc các tòa chung cư cao tầng được mọc lên dày đặc.

Đây thực sự là áp lực cho việc bố trí học sinh trên địa bàn. Tương tự, tình trạng các trường tiểu học quá tải cũng xảy ra ở quận Thanh Xuân khi số trẻ bước vào độ tuổi đi học lớp 1 là 3.959 trẻ nhưng các trường công lập trên địa bàn có tổng chỉ tiêu là 3.750 trẻ. Ngoài việc quá tải chung, một số trường tiểu học có thương hiệu như Đặng Trần Côn A, Phan Đình Giót..., số học sinh ở một số trường còn lên tới 60 em.

Tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, quận Thanh Xuân (Hà Nội), số lượng học sinh trung bình của các lớp 1 đều khoảng 60, thậm chí có lớp còn lên tới 67 học sinh. Nếu lấy số diện tích phòng học trung bình là 67m² chia cho 67 học sinh thì sẽ ra con số trung bình là mỗi học sinh sẽ được hít thở trong không gian 1m2. 

Những chiếc bàn vốn được thiết kế cho 2 học sinh nhưng hầu như hiện nay tất cả đều có 3 học sinh ngồi. Khoảng cách giữa các bàn học rất sát, thậm chí kê rất gần bục giảng để tận dụng diện tích lớp học.

Cô Nguyễn Thị D, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C cho biết: “Vào đầu năm học, do sĩ số lớp đông, ý thức học trò còn chưa đầy đủ, nên chúng tôi rất khó khăn với việc giảng bài. Có ngày gần như mất giọng để ổn định trật tự lớp học, thu hút sự chú ý của học sinh. Rồi việc bố trí lớp học khó, học sinh làm việc nhóm khó, cô giáo không quan tâm được hết học sinh. Buổi học bình thường thì không sao, nhưng mỗi khi có dự giờ là các cô lại vô cùng đau đầu bố trí làm sao cho các em ngồi quây thành vòng tròn để thảo luận nhóm”.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cho rằng: Vấn đề tăng sĩ số trong lớp hiện nay chủ yếu là do tình trạng dân số ở các địa bàn tăng đột biến. Chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều, trong khi các trường chịu áp lực bắt buộc phải nhận hết học sinh có hộ khẩu trên địa bàn dẫn đến quá tải.

Để giảm tải cho các trường, hiện UBND quận Thanh Xuân đang rất nỗ lực “đấu tranh” với doanh nghiệp để giành đất xây trường, bổ sung thêm phòng học. Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ có thêm 5-7 trường học được xây mới trên địa bàn quận.

Những lớp học 30-35 học sinh vẫn là mơ ước xa vời của người dân các quận nội thành Hà Nội.

“Riêng đối với Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, sở dĩ có những lớp học có sỹ số trên 60 em là do đây là trường học nằm trên địa bàn phường giáp ranh nên nhà trường buộc phải nhận hết số học sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Để giảm tải cho Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt đề án xây dựng thêm một trường tiểu học ngay gần đó. Dự kiến, trường sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2017” - ông Hữu cho hay.

Thừa nhận tình trạng quá tải sỹ số đang xảy ra tại nhiều quận nội thành của Hà Nội, nơi mà tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc di dân cơ học không đi đôi với việc xây trường, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: 

Không chỉ quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, mà tình trạng quá tải này còn diễn ra ở các quận như Đống Đa, Cầu Giấy... Năm học 2014-2015, UBND các quận, huyện trong TP Hà Nội cũng đã xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm hàng trăm phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh đầu cấp.

Ở khu vực các quận nội đô như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, dù rất hạn chế về quỹ đất, các trường đều đã nỗ lực nâng tầng để đảm bảo phòng học và có không gian cho học sinh vui chơi nhưng cũng không thể đáp ứng kịp vì di dân cư học.

Đối với các khu vực ngoại thành, do thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và di dân cơ học nên sĩ số lớp học luôn đảm bảo 30-40 học sinh. Các trường đều đủ phòng học để phục vụ nhu cầu học sinh có thể học 2 buổi 1 ngày.

Cũng theo chia sẻ của ông Tiến, trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng, “thủ phạm chính” dẫn đến việc quá tải sỹ số là do học sinh trái tuyến, hệ quả của việc nhiều phụ huynh muốn cho con vào trường điểm, trường chất lượng bằng mọi giá. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây không như vậy.

Quan điểm của nhiều phụ huynh đã thay đổi, vấn đề chọn trường ở bậc tiểu học đã không còn quá nặng nề hay quá quan trọng hóa. Thay vì vào trường điểm, nhiều phụ huynh chọn cho con học trường ở gần nhà, trường có cơ sở vật chất tốt để thuận tiện trong việc đưa đón.

Huyền Thanh
.
.
.