“Bùng nổ” xét tuyển học bạ: Tăng giám sát để đảm bảo quyền được lựa chọn của thí sinh

Thứ Bảy, 27/07/2019, 15:36
Trong vài năm trở lại đây, hình thức xét tuyển học bạ này ngày càng được nhiều trường đại học (ĐH) sử dụng. Đây cũng là một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh các trường được tự chủ tuyển sinh, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Tuy vậy, với việc các trường yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học quá sớm khi các em vừa biết điểm thi, khi đợt xét tuyển chung do Bộ GD&ĐT chủ trì chưa được tiến hành đã khiến dư luận băn khoăn về việc nếu hình thức xét tuyển này không được kiểm soát sẽ tăng nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Đồng thời, hạn chế quyền lựa chọn của thí sinh.

Vào giữa tháng 7-2019, trong khi các trường đang chuẩn bị bước vào đợt xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi THPT quốc gia thì hàng loạt các trường ĐH đã thông báo điểm trúng tuyển hệ ĐH chính quy năm 2019 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT hay còn gọi là xét tuyển học bạ.

Các trường cũng lưu ý, thí sinh có tên trong danh sách được trường công bố trên cổng thông tin điện tử có thể xác nhận nhập học. Những thí sinh nào không xác nhận nhập học đúng thời gian quy định vào giữa tháng 7, đồng nghĩa với việc từ chối xác nhận học, nhà trường sẽ xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển.

Thậm chí, để đảm bảo chắc ăn theo kiểu nắm đằng chuôi, một số trường như ĐH Văn hóa, Học viện Thanh thiếu niên, Học viện Phụ nữ... còn yêu cầu thí sinh phải nộp học bạ, giấy tờ gốc kèm theo học phí từ 6 tháng đến 1 năm. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu thí sinh đã xác nhận nhập học vào trường thì sẽ không còn cơ hội tham gia vào đợt xét tuyển chung theo điểm thi THPT sẽ được Bộ GD&ĐT tổ chức vào đầu tháng 8. Bởi lẽ về nguyên tắc, thí sinh chỉ trúng tuyển và xác nhận nhập học vào một trường duy nhất.

Số lượng các trường ĐH-CĐ xét tuyển học bạ tăng mạnh trong năm 2019.

Thực tế cho thấy, đây không phải là năm đầu tiên các trường ĐH xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, năm nay số lượng các trường xét tuyển theo phương thức này đang tăng mạnh, chỉ đứng sau phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia với con số lên tới gần 100 trường. 

Đặc biệt, việc các trường “chốt” thời hạn xác nhận nhập học đối với thí sinh trúng tuyển bằng hình thức này khi phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia chưa diễn ra đã khiến dư luận xã hội lo ngại về việc quyền lựa chọn của thí sinh bị hạn chế, có thể gây rối, tăng ảo cho toàn hệ thống trong quá trình xét tuyển?

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT cho rằng: Về nguyên tắc, thí sinh sẽ chỉ xác nhận nhập học vào một trường duy nhất, nhưng trong quá trình xét tuyển sẽ gây rối cho hệ thống khi thí sinh xét tuyển bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Hiện tại có khoảng 70% các trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 30% còn lại xét tuyển theo các phương thức khác, trong đó có hình thức xét học bạ. Tuy nhiên, việc 30% không xét tuyển theo hệ thống chung cũng sẽ tạo ra những cái rối nhất định. ”- ông Tùng nói.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng: Đây vừa là sự cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời cũng gây bất lợi cho thí sinh khi quyền lựa chọn được tham gia đợt xét tuyển chung của các em bị hạn chế.

“Một số trường xét tuyển theo học bạ, hình thức xét tuyển thẳng nhưng yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi việc xét tuyển chung từ đầu tháng 8. Như vậy là mất đi sức cạnh tranh, bình đẳng giữa các trường. Thứ 2 nữa là đối với thí sinh, nhiều em đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn xét tuyển thẳng, học bạ hay là lấy kết quả thi THPT quốc gia để vào được ngành, vào trường theo nguyện vọng của các em đó. Nếu các trường yêu cầu các em phải nộp hồ sơ sớm, xác nhận trúng tuyển sớm thì có nghĩa là chúng ta đã tước đi quyền của các em được lựa chọn trong đợt xét tuyển chung”- PGS Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề.

Theo thông báo của Học viện Tài chính, điểm trúng tuyển vào Học viện xét theo phương thức này dao động từ 22,2 đến 26,8. Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = Điểm môn 1 + Điểm môn 2  + Điểm môn 3 + điểm đối tượng ưu tiên. Trong đó, Điểm môn 1 = Điểm trung bình  cả năm lớp 12 Môn 1; Điểm môn 2 = Điểm trung bình cả năm lớp 12 Môn 2; Điểm môn 3 = Điểm trung bình cả năm lớp 12 Môn 3.

ĐH Văn hóa Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học học bạ THPT đợt 1 năm 2019, trong đó ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là 25,5 điểm, ngành thấp nhất là 21 điểm.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã thông báo điểm trúng tuyển ĐH chính quy tập trung năm 2019 đối với thí sinh xét tuyển học bạ.

Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đều đạt từ 8,07 trở lên, trong đó ngành cao nhất là 9,0 điểm, ngành thấp nhất là 8,07 điểm.  Điểm chuẩn xét tuyển  học bạ vào Trường ĐH Mỏ-Địa chất năm 2019 cũng dao động từ 18 - 25,90 điểm...
Huyền Thanh
.
.
.