Bỏ điểm sàn đầu vào đại học: Quan trọng là kiểm soát chất lượng đầu ra

Thứ Ba, 20/03/2018, 10:06
Một trong những điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa chính thức ban hành là ngoại trừ các ngành đào tạo giáo viên, các trường còn lại được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc bỏ điểm sàn đầu vào là một quy định “mở” giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển đầu vào, phù hợp với xu thế tự chủ đại học hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp nào để kiểm soát chất lượng đầu ra khi đầu vào được “thả lỏng” cũng là bài toán cần phải tính.

Từ nhiều năm nay, Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam vẫn luôn kiên trì với đề xuất bỏ điểm sàn đầu vào. Theo Hiệp hội các trường ĐH-CĐ, thực tế trong thời gian qua cho thấy, các trường đã nhận thấy quy định điểm sàn chung không cần thiết và cần giao quyền cho các trường, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh.

Từ năm 2018, các trường đại học sẽ được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ảnh minh họa.

Mặt khác, điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đặt ra trong thời gian gần đây đều ở mức 14-15 điểm, nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Cùng với điểm sàn, quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ cũng quy định, thí sinh phải đủ điểm tốt nghiệp THPT (trung bình mỗi môn từ 5 điểm trở lên) mới được đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ. Hai điều kiện này trùng nhau nên có thể bỏ quy định điểm sàn là cần thiết.

Bên cạnh đó, việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường xét tuyển bằng hình thức học bạ trong vài năm trở lại đây cũng được xem là động thái mở đường trước cho việc bỏ điểm sàn. Ngoài ra, việc nhiều trường ĐH xác định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn nhiều lần so với điểm sàn chung của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, việc đặt ra mức điểm sàn chung trong bối cảnh hiện nay không còn nhiều ý nghĩa.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Xét về nguyên tắc, bỏ điểm sàn đầu vào chung là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ đại học. Việc bỏ điểm sàn thể hiện quan điểm mới là học sinh tốt nghiệp phổ thông thì có quyền vào đại học.

“Bộ GD&ĐT để cho các trường tự chủ trong việc xác định điểm trúng tuyển và bỏ điểm sàn là đúng và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, đã đến lúc các trường phải tự chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng sản phẩm đào tạo và uy tín của mình, trường nào chạy theo số lượng không quan tâm đến chất lượng thì trước sau gì cũng bị đào thải” - ông Khuyến nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Khuyến đề xuất:  Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn chung nhưng các trường cũng phải chủ động tự đặt ngưỡng điểm đầu vào riêng cho mình để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín cho chính mình. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường siết chặt đầu ra thông qua việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng của các trường với sự tham gia của các tổ chức kiểm định độc lập, các trường cũng phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm có sự tham gia giám sát của cả xã hội.

TS. Phan Huy Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long nêu quan điểm: Việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn có thể giúp các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh dễ dàng hơn, mọi học sinh tốt nghiệp THPT đều có cơ hội học lên đại học, phù hợp với quy định của Luật Giáo dục. Tuy vậy, ông Phú cho rằng: Lâu nay, chúng ta vẫn chỉ kiểm soát nguồn tuyển sinh “đầu vào” mà không chú trọng đến thắt chặt “đầu ra”. Hầu như sinh viên nào đã vào được ĐH thì đều được tốt nghiệp.

“Cùng với việc bỏ điểm sàn chung, các trường cần phải thắt chặt hơn việc cho sinh viên tốt nghiệp. Không phải sinh viên nào đã vào được trường học là đều đỗ tốt nghiệp cùng năm, cùng tháng. Nếu sinh viên nào không học tập tốt thì có thể phải học lại và thời gian tốt nghiệp có thể lâu dài hơn với những em học tập thực chất, đạt hiệu quả”- ông Phú đề xuất.

Còn TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT thì cho rằng: Song song với quy định bỏ điểm sàn, trong quy chế tuyển sinh mới, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường 12 tháng trên website của trường.

Theo ông Tùng, đây là điều kiện cần thiết nhưng thực tế cho thấy, việc yêu cầu các trường khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ rất khó khăn và kết quả chưa chắc đã chính xác và đáng tin cậy. Do vậy, quan trọng vẫn là Bộ GD&ĐT phải khống chế chỉ tiêu của các trường trên cơ sở coi điều kiện giảng dạy là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng.

Huyền Thanh
.
.
.