Tuyển sinh đại học năm 2018: Sẽ bỏ điểm sàn đầu vào và mở rộng đối tượng tuyển thẳng

Thứ Năm, 15/03/2018, 10:28
Những điểm thay đổi, điều chỉnh mới trong tuyển sinh năm 2018 chủ yếu tập trung vào các nội dung như bỏ điểm sàn đầu vào đối với các ngành không đào tạo giáo viên, thu hẹp khoảng cách điểm ưu tiên khu vực và mở rộng đối tượng được tuyển thẳng.


Ngày 14-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018. 

Theo đó, những điểm thay đổi, điều chỉnh mới trong tuyển sinh năm 2018 chủ yếu tập trung vào các nội dung như bỏ điểm sàn đầu vào đối với các ngành không đào tạo giáo viên, thu hẹp khoảng cách điểm ưu tiên khu vực và mở rộng đối tượng được tuyển thẳng.

Bỏ điểm sàn đầu vào, trừ ngành đào tạo giáo viên

Thông tư quy định, đối với các ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. 

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của Quy chế; được làm tròn đến hai chữ số thập phân. 

Các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách sẽ xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu, ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn. 

Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.

Học sinh trao đổi chọn trường thi. Ảnh: CTV

Riêng đối với các trường có nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp đều phải tuân thủ quy định có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. 

Cụ thể, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. 

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT với ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, được quy định như sau: 

Đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. 

Đối với trình độ Cao đẳng, trình độ Trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệpTHPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành Cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành Trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực

Từ trước đến nay, ưu tiên đối tượng được chia thành 2 nhóm, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm. Quy chế năm nay vẫn giữ nguyên quy định này. 

Với ưu tiên khu vực, có 3 khu vực được cộng điểm ưu tiên khi các trường xác định điểm trúng tuyển, gồm khu vực (KV) 1, KV 2, KV 2 nông thôn. 

Trước đây, mức chênh lệch điểm giữa 2 khu vực kế tiếp nhau là 0,5 điểm. Tuy nhiên, năm nay, Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã sửa đổi quy định này, cụ thể: “Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 (một điểm), giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10”. 

Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ảnh minh họa

Như vậy, với thí sinh được mức ưu tiên cao nhất, khi các trường xác định điểm trúng tuyển, các em chỉ được cộng 2,75 điểm, thay vì 3,5 điểm như những năm trước. 

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quyết định bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Ngoài ra, quy chế mới cũng yêu cầu các trường cần cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, bao gồm: Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm, các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo. 

Đáng chú ý, các trường cần công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành. Các trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này không được thông báo tuyển sinh. Trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế sẽ bị xử lý vi phạm.

Mở rộng đối tượng được tuyển thẳng

Một điểm mới được bổ sung cho quy chế năm nay là chính sách tuyển thẳng mở rộng ra với cả những thí sinh có thành tích trong lĩnh vực nghề nghiệp và văn hóa-nghệ thuật. 

Cụ thể, người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật, được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải. 

Những thí sinh này nếu không dùng quyền tuyển thẳng mà vẫn đăng ký dự tuyển như thí sinh bình thường thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải theo quy định của từng trường.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT còn bổ sung đối tượng được giải thưởng trong các cuộc thi về mỹ thuật, do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức, được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp các ngành đào tạo tương ứng. 

Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận thì được xét tuyển thẳng vào học các ngành học tương ứng trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo quy định của từng trường.

Huyền Thanh
.
.
.