Đề xuất chia kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt

Chủ Nhật, 02/08/2020, 18:36
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chia làm 2 đợt. Trong đó, địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) tổ chức thi vào đợt 2 sau đó. 

Chiều ngày 2-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các các tỉnh, TP trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 2 TP là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã kiên quyết xét nghiệm trên diện rộng, truy vết bằng công nghệ thông tin, đã kiểm soát cơ bản tình hình. Thủ tướng nêu vấn đề giãn cách xã hội sẽ được đặt ra đến đâu, như thế nào chứ không phải tất cả các khu vực đều giãn cách xã hội. Đặc biệt Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến về việc tổ chức kỳ thi PTTH sắp tới. 

“Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị dừng hẳn để phòng chống dịch COVID-19. Có ý kiến đánh giá việc dừng kỳ thi trên cả nước có đúng không trong khi có một vài tỉnh bị dịch. Có ý kiến thì đề nghị tổ chức kỳ thi PTTH làm làm nhiều lần…”, Thủ tướng nói và đề nghị các đại biểu thảo luận dân chủ để Chính phủ ra quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp (tính đến 18h ngày 1-8), sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24-7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Trong vòng 10 ngày tính từ 24-7 đến nay, đã ghi nhận 144 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 31-7, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu vụ dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng. 

Đại diện Bộ Y tế cũng nhận định, dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ ngày 5 đến ngày 8-7 và từ ngày 16 đến ngày 20-7. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lẫy nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn. 

Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP Đà Nẵng với 138/144 trường hợp, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.

Đáng lo ngại, thời gian qua đã có khoảng 1,4 triệu người đã đến TP Đà Nẵng từ 1-29/7, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại TP (khoảng 46.000 trường hợp đến khám, chữa bệnh tại 3 bệnh viện). Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là 2 TP trên. Bộ Y tế nhận định,  nguồn lây nhiễm chính là tại Bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm rất cao; đã lây lan ra cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt. Trong đó, địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam)  tổ chức thi vào đợt 2 sau đó. Theo ông Nhạ thực kiện kỳ thi theo 2 đợt kể trên để đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh. “Tuy nhiên, ngay với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thực kiện kỳ thi theo 2 đợt để đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chỉ đạo các trường xét vào đại học đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin, về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, đề thi đã gửi về các địa phương in sao. Mục tiêu là tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng  đã họp với các địa phương, hầu hết các địa phương đồng ý với phương án thi chung. Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đề xuất đến ngày 5-8, tình hình dịch bệnh không biến động thì tiếp tục tổ chức kỳ thi bình thường, nhưng nếu diễn biến dịch phức tạp hơn thì hoãn kỳ thi lại một tháng, sau nếu  tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu thì được đặc cách tốt nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Theo ông Chung, Hà Nội vẫn tổ chức thi bình thường nhưng đo thân nhiệt thí sinh và thí sinh cũng được sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi. Còn Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Lê Văn Thành xin phép tổ chức thi bình thường theo kế hoạch của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng như  của TP. 

Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP này vẫn đang chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT diễn ra từ ngày 5-8. Tuy nhiên, ông Đức cũng nêu băn khoăn với các thí sinh thuộc diện F1 tiếp xúc với ca bệnh: “Theo quy định, các trường hợp F1 phải cách ly. Do vậy, tôi đề nghị có biện pháp cụ thể cho các thí sinh này. Theo chúng tôi nếu đến ngày thi, các em vẫn chưa hết 14 ngày cách ly thì nên được đặc cách tốt nghiệp”.


N.Yến
.
.
.