Băn khoăn thừa giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ Năm, 10/01/2019, 13:18
Chiều 9-1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Một trong những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sẽ được triển khai như thế nào để có thể dạy tốt được chương trình mới.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở GD&ĐT địa phương bày tỏ sự đồng thuận và tâm đắc với cách làm của Bộ GD&ĐT trong việc ban hành và triển khai chương trình GDPT mới lần này. Tuy vậy, các đại biểu cũng bày tỏ một số băn khoăn. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc dạy tích hợp liên môn sẽ được bố trí thời khóa biểu thế nào cho phù hợp; việc bố trí, sắp xếp giáo viên thế nào để không xảy ra tình trạng thừa thiếu. Tuyển dụng giáo viên cần thực hiện theo tiêu chí nào để tránh tình trạng tuyển xong lại phải đưa giáo viên đi đào tạo lại. Còn lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng băn khoăn về việc cho học sinh lựa chọn các môn tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên như thế nào? 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT sớm công bố chương trình, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng chương trình và có thể công bố bộ sách giáo khoa mới (SGK), vì có sách giáo viên sẽ chủ động hơn, giảm đi nhiều băn khoăn, thắc mắc. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy định tối thiểu về chuẩn cơ sở vật chất, lớp học để các địa phương có sự chuẩn bị tốt hơn. 

Sẽ tăng cường các hình thức đào tạo trực tuyến cho giáo viên theo chương trình mới. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn lực để triển khai chương trình, có giải pháp khắc phục căn cơ tình trạng thừa thiếu giáo viên. Đặc biệt, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cần sớm triển khai theo lộ trình theo hướng tăng cường thông tuyến đối với đào tạo trực tuyến.

Trước những băn khoăn về đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Chương trình mới không bỏ môn học nào so với chương trình hiện hành nên sẽ không có chuyện giáo viên thất nghiệp. Bên cạnh đó, toàn bộ giáo viên sẽ được sắp xếp lại và bồi dưỡng để thực hiện được nhiệm vụ mà chương trình mới đặt ra, tất nhiên không phải theo cách “cầm tay chỉ việc”. Cũng theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Minh, ngay từ khi chương trình GDPT mới chưa chính thức ban hành, Kế hoạch 791 vào tháng 9-2018 cũng đã nói rất kỹ về đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình. 

Với tinh thần ấy, bắt đầu từ quý III năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1. Sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình. Trong đó, bên cạnh hình thức đào tạo trực tiếp sẽ chú trọng tới việc bồi dưỡng theo "chuẩn nghề nghiệp", ứng dụng bài giảng đã được "số hoá" và thông qua mạng. Giáo viên chủ yếu sẽ tự học qua các bài giảng mẫu.

Trả lời câu hỏi Bộ GD&ĐT đã tính đến bất cập thừa thiếu giáo viên do việc lựa chọn môn học lệch ở bậc THPT, nhà trường không đáp ứng được theo lựa chọn của học sinh hay chưa? ông Hoàng Đức Minh cho hay: Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm. Đồng thời, các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời. 

Riêng đối với những môn tự chọn ở bậc THPT, Bộ cũng đã tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh; làm sao cho số lượng giáo viên kiểm soát được và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Thành bại của đổi mới giáo dục chủ yếu phụ thuộc vào các thầy cô. Do vậy, bên cạnh những yêu cầu đối với thầy cô, rất cần tạo môi trường tốt cho các thầy cô đổi mới. Cùng với đó, cũng cần tạo động lực cho các thầy cô bằng cách quan tâm đến chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc. Những việc gây khó khăn, áp lực cho các thầy cô cắt giảm, tăng cường quản trị trong nhà trường; rà soát lại một số khâu không cần thiết trong việc thi giáo viên giỏi, đăng ký thi đua, sáng kiến kinh nghiệm.

Huyền Thanh
.
.
.