An toàn trường học cần được ưu tiên hàng đầu

Chủ Nhật, 20/09/2020, 07:18
Ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, liên tiếp hàng loạt tai nạn thương tâm đã xảy ra, khiến xã hội lo lắng, xót xa, đau đớn...


Vì sao cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về đảm bảo an toàn trường học nhưng rủi ro, tai nạn vẫn xảy ra? Ai phải chịu trách nhiệm khi học sinh mất an toàn ngay trong môi trường học đường, vốn được xem là biểu tượng của sự “thân thiện, an toàn”? Cần những giải pháp đồng bộ nào để có thể giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo an toàn cho học sinh?

PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xung quanh vấn đề này.

PV: Chỉ trong tuần đầu tiên sau khai giảng năm học mới, rất nhiều sự cố, tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trong trường học, cướp đi tính mạng của 3 học sinh tiểu học tại Lào Cai, 1 học sinh lớp 3 tại Nghệ An… Ai chịu trách nhiệm cho những rủi ro, mất mát này? Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo như thế nào để chấn chỉnh tình trạng chưa đảm bảo an toàn trong trường học, thưa ông?

Vụ trưởng Bùi Văn Linh: Với các vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ luôn kịp thời chỉ đạo các Vụ, Cục phối hợp với chính quyền địa phương xử lý, khắc phục sự cố; phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân của các vụ việc và từ đó xem xét trách nhiệm cụ thể; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình học sinh, hỗ trợ khám chữa bệnh cho các em học sinh bị thương.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Bộ cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trường học; kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình quá niên hạn, không đảm bảo an toàn.

Về mặt chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua là luôn lấy việc đảm bảo an toàn trường học là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm gần đây, đã có khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, hướng dẫn, chỉ thị, công văn… được Bộ GD&ĐT ban hành gửi UBND các tỉnh nhằm đôn đốc, nhắc nhở quyết liệt triển khai công tác đảm bảo an toàn trường học.

Đặc biệt, năm 2019, khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Giáo dục 2019, trình Quốc hội phê chuẩn, Bộ cũng đã đưa được nội dung hết sức quan trọng vào bộ luật này là “Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện”...

Năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP qui định về trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường; ngoài ra còn ban hành nhiều thông tư quy định về tiêu chí trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm... và gần đây nhất là Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất trong trường học…

Chúng ta đều biết rằng, văn hóa học đường liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Tiếp cận cả 2 góc độ phần cứng với thiết chế cơ sở vật chất và phần mềm với hệ thống quy định về chức năng, nhiệm vụ; quy chế ứng xử văn hóa và nếu các trường học thực hiện đầy đủ, nghiêm túc… chúng ta sẽ làm tốt công tác đảm bảo an toàn trường học.

PV: Thực tế cho thấy, mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành rất nhiều các văn bản chỉ đạo về đảm bảo an toàn trường học song những sự cố đáng tiếc, tai nạn thương tích vẫn xảy ra. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

Vụ trưởng Bùi Văn Linh: Đảm bảo an toàn trường học luôn là mục tiêu đầu tiên trong quá trình chỉ đạo hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Chúng tôi cho rằng, có một số nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc thực hiện an toàn trường học có lúc, có nơi chưa đảm bảo. Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo, các quy định của Chính phủ, Bộ GD&DT, UBND các tỉnh tại các cơ sở giáo dục về an toàn trường học như đối với cơ sở vật chất, nhân viên bảo vệ, công tác tổ chức tập huấn… chưa tốt, chưa đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Mặc dù chúng ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý khá đầy đủ nhằm giảm thiểu rủi ro, tạo sự phòng ngừa tốt nhất nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên thỉnh thoảng lại xảy ra một số vụ việc đau lòng.

Thứ hai, việc tổ chức kiểm tra, rà soát; kế hoạch tu bổ, sửa chữa, thay thế các hạng mục, các vấn đề tiềm ẩn, các rủi ro có thể xảy ra trực tiếp tại các nhà trường mà trách nhiệm chủ yếu là của hiệu trưởng/người đứng đầu có thể thực hiện chưa tốt và chưa thường xuyên. Nếu các trường học triển khai công tác kiểm tra, rà soát được thực hiện tốt, thường xuyên thì chắc chắn sẽ phát hiện được các nguy cơ tiềm ẩn; từ đó Ban An toàn trường học sẽ có các biện pháp để khắc phục, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Thứ ba, chúng ta có khó khăn trong việc đầu tư kinh phí để tổ chức kiên cố trường học, tu bổ thường xuyên các công trình. Ví dụ như việc thay thế các hạng mục cũ, hỏng, thiết bị đồ dùng, hệ thống tường bao bào vệ trường, hệ thống bảo vệ - camera an ninh… vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; các qui định, thông tin chỉ đạo mới của ngành Giáo dục cũng chưa được các trường học cập nhật kịp thời và quán triệt với các chủ thể liên quan.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò của Ban An toàn trường học trong các nhà trường? Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã triển khai, áp dụng mô hình này chưa, thưa ông?

Vụ trưởng Bùi Văn Linh: Điều lệ của các cấp học do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành đều có các quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm; vào mỗi giai đoạn, bộ máy và chức năng cụ thể sẽ có điều chỉnh cho kịp thời để xử lý các nhiệm vụ liên quan. Năm 2020, trong nội dung Kế hoạch xây dựng trường học an toàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo thành lập Ban An toàn trường học. Đây là bộ phận nhằm tham mưu cho Hiệu trưởng/Bí thư cấp ủy thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Các nhiệm vụ chính của Ban An toàn trường học gồm: Tổ chức rà soát, kiểm tra việc thực thi các điều kiện đảm bảo an toàn trường học về cơ sở vật chất; cung cấp tài liệu, chương trình bồi dưỡng cho giáo viên nhà trường, tổ chức tuyên truyền cho học sinh. Ban An toàn trường học sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu khi xảy ra các vấn đề liên quan nếu do lý do chủ quan như không kịp thời rà soát, báo cáo với nhà trường...

Tạo mọi điều kiện để học sinh được đảm bảo an toàn trong môi trường học đường. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý giáo dục có thể phân định rõ trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức trong nhà trường khi có vấn đề xảy ra. Ngoài ra, Bộ sẽ triển khai việc đánh giá, phân loại, “dán nhãn” mức độ an toàn cho các trường học.

PV: Hiện nay, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại các tỉnh, thành trong cả nước đang có sự chênh lệch. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục cũng có mức độ khác nhau. Làm gì để có thể rút ngắn khoảng cách này, thưa ông?

Vụ trưởng Bùi Văn Linh: Khi thực hiện công tác pháp chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tại các thông tư, bao giờ cơ quan quản lý nhà nước cũng quy định ở mức tối thiểu để bảo đảm các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân đều có thể đáp ứng thực hiện tốt.

Tuy nhiên, hiện nay tồn tại sự khác biệt, chênh lệch giữa các khu vực miền núi, hải đảo, thành thị và nông thôn là 1 thực tế. Để có thể cân bằng giữa các vùng miền, các địa phương, ngoài sự quan tâm của nhà nước, các Bộ ngành thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, nhất là trong trách nhiệm thực hiện các qui định tại Thông tư, trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, triển khai đáp ứng đủ yêu cầu đề ra. Ở đó, phải kể đến là vai trò của hệ thống chính quyền địa phương các cấp (cấp xã, huyện, tỉnh).

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xã hội hóa các nguồn đầu tư, hỗ trợ để tăng cường nguồn lực cho các vùng khó khăn. Vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương. Đặc biệt, cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với nhà trường tốt hơn bởi khi sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường hiệu quả, gắn kết hơn thì việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho học sinh cũng sẽ tốt hơn, học sinh được đảm bảo an toàn hơn…

PV: Theo ông, cần những giải pháp đồng bộ nào để có thể đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh yêu cầu, sự đòi hỏi của phụ huynh, của xã hội về vấn đề này ngày càng cao?

Vụ trưởng Bùi Văn Linh: Ngành Giáo dục, chính quyền địa phương luôn xem việc đảm bảo an toàn trường học là ưu tiên hàng đầu. Để đáp ứng yêu cầu an toàn cho học sinh ngày càng được phụ huynh và xã hội quan tâm, đòi hỏi cao hơn, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đề nghị phối hợp thực hiện một số giải pháp quan trọng. Về công tác pháp chế, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác đảm bảo an toàn trường học, đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Nhân đây, cũng xin được trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải khi các nội dung quy định về xe bus học đường, xe đưa đón học sinh đều đã được hai Bộ đưa vào dự thảo luật để trình Chính phủ xem xét, nay chuẩn bị trình Quốc hội. Bộ GD&ĐT cũng sẽ ban hành thông tư về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trong các trường học.

Đây là lần đầu tiên đưa ra quy định về vấn đề này ở dạng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức về an toàn trường học, từ chính quyền các cấp đến đội ngũ cán bộ, giáo viên;  tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên thực hiện công tác này. Đặc biệt, trong thời gian tới, các nội dung về an toàn trường học, vấn đề bạo lực học đường, an toàn giao thông, PCCC… sẽ được tích hợp, lồng ghép vào các môn học dạy chính khóa; tổ chức thông qua các hoạt động trải nghiệm trong chương trình GDPT mới.

Các quy định của Chính phủ, Đề án của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng đã gửi UBND các tỉnh cũng đều có mục phân công trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các bộ, ngành liên quan. Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra các vụ việc liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn trường học và xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm cũng cần được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo, không bao che nhằm đảm bảo tính răn đe.

Công tác khen thưởng đối với các cá nhân, nhà trường làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn trường học cũng được tăng cường nhằm để tạo niềm tin, động lực cho phụ huynh và xã hội. Làm tốt vấn đề an toàn trường học thì sẽ góp phần tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, giáo dục toàn diện cho học sinh thành công hơn, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.