265 giáo viên tại Hà Nội gửi đơn xin “cơ chế đặc thù” trong tuyển dụng

Thứ Sáu, 29/03/2019, 08:11
Lo lắng trước kỳ thi tuyển dụng viên chức sắp tới, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã gửi đơn kêu cứu xin “cơ chế tuyển dụng đặc thù”.


Theo các giáo viên này, nếu không được ưu tiên do đã có nhiều năm cống hiến thì họ sẽ không thể cạnh tranh được với các sinh viên trẻ mới ra trường, đặc biệt là trình độ tiếng Anh và công nghệ thông tin. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, họ đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc thi, bị mất việc làm.

Theo đơn kiến nghị của 265 giáo viên hợp đồng dạy cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn kí hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn.

Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành Giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm. Cũng theo đơn kiến nghị, vào cuối tháng 7-2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ rà soát toàn bộ giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, không để tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm không được tuyển chính thức.

Các giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ thông tin với báo chí.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, lãnh đạo thành phố đã có hướng mở đối với giáo viên hợp đồng lâu năm. Trên cơ sở rà soát nhu cầu của các nhà trường, UBND huyện đã có văn bản đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên.

Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, ngày 14-3 vừa qua, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Văn bản số 667/TB - UBND thông báo về việc tuyển dụng viên chức giáo dục huyện Sóc Sơn năm 2019 theo hướng dẫn của thành phố Hà Nội. Theo đó, các giáo viên hợp đồng vẫn phải đăng kí để dự thi tuyển viên chức năm 2019.

Ngày 22-3, UBND huyện Sóc Sơn mời 256 giáo viên hợp đồng trong toàn huyện để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các giáo viên hợp đồng. Họ đều mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển vì đã cống hiến cho ngành Giáo dục Sóc Sơn từ năm 1995 đến nay.

Trong đơn của các giáo viên cũng nêu, lãnh đạo huyện Sóc Sơn yêu cầu các giáo viên hợp đồng nộp hồ sơ thi, nếu thi không đỗ hoặc không thi thì cắt hợp đồng của các giáo viên này.

Cô Lê Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Minh Phú (Sóc Sơn) chia sẻ: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chị về Sóc Sơn giảng dạy theo tiếng gọi của phong trào “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Kể từ đó đến nay đã được 26 năm, nhưng chị chưa một lần được thi công chức bởi vì trước kia, điều kiện thi viên chức của huyện là phải có hộ khẩu Hà Nội. Bởi vậy sau 26 năm công tác, chị vẫn “treo giò” với cái tên “hợp đồng huyện”.

Mặc dù bị phân biệt đối xử trong chế độ đãi ngộ, bản thân chị vẫn tâm huyết với nghề, vẫn vượt lên mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hết mình cho công việc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà nhiều giáo viên trong biên chế chưa làm được.

Cũng theo cô Nguyệt, khi nhận được quyết định thi viên chức của TP Hà Nội cùng với các thí sinh mới ra trường, bản thân chị và hàng trăm giáo viên khác như rơi vào “địa ngục”. “Xét cho cùng thì mục đích của kỳ thi tuyển viên chức là sát hạch chọn ra những giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn để đảm nhận công việc.

Vậy thì khoảng thời gian dài chúng tôi phấn đấu với những thành tích đã đạt được chính là những điểm số, là minh chứng khách quan nhất, chân thực nhất. Vậy chúng tôi có cần phải trải qua cuộc thi sát hạch vài giờ đồng hồ hay không, một cuộc thi mà chưa thi chúng tôi đã biết rõ mình sẽ rớt” - cô Nguyệt nói.

Cô giáo Bùi Lan Hương, giáo viên Trường THCS Đức Hòa (Sóc Sơn - Hà Nội) cũng cho biết: "Nhận được thông tin này, chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ, theo kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm, như vậy rất thiệt thòi cho chúng tôi.

Bên cạnh đó, qui chế thi không có giới hạn về hộ khẩu, mọi thí sinh trên cả nước đều có quyền dự thi. Như vậy, số thí sinh tham dự kì thi tuyển viên chức đợt này sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh sẽ rất cao, cơ hội thi đỗ đối với giáo viên hợp đồng chúng tôi là khá mong manh”.

Cũng theo cô Bùi Lan Hương, với quy chế thi như vậy thì cuộc thi này có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu. Hơn nữa, ngày xưa thế hệ các cô chủ yếu được đào tạo tiếng Pháp, tiếng Nga mà bây giờ thi tiếng Anh thì sẽ không thể cạnh tranh với thế hệ trẻ bây giờ được đào tạo tiếng Anh bài bản từ lớp 3 cho đến đại học.

Do vậy, các giáo viên khẩn thiết kính đề nghị các cơ quan cấp trên tạo điều kiện giúp đỡ, tạo một cơ chế nhân văn, đó là xét đặc cách vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như thí sinh tự do như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: "Chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Việc muốn xét đặc cách cho các thầy cô hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện nữa mà là thành phố. Nếu thành phố có muốn tuyển đặc cách cũng cần phải có ý kiến của Chính phủ”.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết: Bộ GD&ĐT đã có trao đổi trực tiếp với Sở GD&ĐT Hà Nội và Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, khuyến nghị với 2 cơ quan nêu trên trong quá trình tuyển dụng giáo viên cần xem xét đến những đóng góp của các thầy cô trong thời gian đã thực hiện hợp đồng tại các cơ sở giáo dục để quyết định phương án tổ chức tuyển dụng phù hợp, nhưng phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành về tuyển dụng viên chức được quy định tại Luật Viên chức, các Nghị định Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Hùng Quân
.
.
.