Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016

Cơ hội nào cho phim Việt?

Thứ Ba, 08/11/2016, 16:03
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 (HANIFF) đã kết thúc và phim Việt một lần nữa lại vắng tên trong các giải thưởng danh giá nhất của liên hoan này. Đó cũng là thực tế cho các nhà làm phim nhìn lại thực trạng nền điện ảnh nước nhà.


Phim Việt "lép vế"

Với khẩu hiệu “Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững”, HANIFF lần thứ IV thu hút 550 bộ phim đăng ký tham dự, trong đó có trên 300 phim dài và trên 200 phim ngắn từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế, trong đó có đạo diễn người Pháp Régis Wargnier và nữ diễn viên nổi tiếng Catherine Deneuve tham dự sự kiện điện ảnh quan trọng này.

Bộ phim “Đông Dương” với định dạng 4K đã được chiếu trong sự kiện bên lề Liên hoan phim vào tối 2-11. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định, đây là cơ hội cho những người trẻ Việt Nam, thay vì ra nước ngoài tốn kém, không có kinh phí, thì Cục Điện ảnh mang quốc tế về cho Việt Nam, để giới làm nghề có thể cọ xát, học hỏi.

Có thể thấy trong Haniff 2016 phim do đạo diễn trẻ làm gần như chiếm đại đa số. Trong số đó có nhiều đạo diễn làm phim đầu tay, có nhiều phim thể nghiệm sáng tạo, với các xu hướng, trào lưu phim đương đại đang được các nhà làm phim thế giới quan tâm.

Ở mảng phim truyện dài có 10 đạo diễn của 9 phim ở thế hệ 7x và 8x với những giọng điệu, cách kể đa dạng: Hiroki Hayashi - Nhật, sinh năm 1974 - “Blossoming into a family” (Gia đình nở hoa); Apichatpong Weerasethakul -Thái Lan, sinh năm 1970 - “Cemetery of Splendour” (Nghĩa địa huy hoàng); Ebrahim Ebrahimiyan - Iran, sinh năm 1982 - “Inadaptable” (Không thể hòa hợp); Oleg Asadulin - Nga, sinh năm 1971 - The Green Carriage (Toa xe màu xanh)…

Đặc biệt phim ngắn, gồm cả phim truyện ngắn, phim tài liệu, phim hoạt hình, đạo diễn trẻ cũng chiếm thế mạnh. Riêng 10 phim ngắn Việt trên 30 phim dự thi, tất cả đều của người trẻ, thậm chí mới chỉ ở tuổi 20-21 như: “Bông hoa mặt trời” - Hồng Linh, “Cá dọn bể” - Chu Ánh Nguyệt, “Dành tặng ông Điều” - Nguyễn Hiền Anh, “Khát vọng người” - Phạm Huyên…

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016.

Phim Việt tham gia Haniff năm nay không nhiều. Hai đại diện của Việt Nam được cử đi dự thi (ở hạng mục Phim dài) là “Trúng số” và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, chỉ được đánh giá là phim thương mại tốt.

Nhìn vào danh sách những phim nước ngoài tham gia hạng mục Phim dài dự thi của năm nay, hai phim Việt nói trên khá mờ nhạt.

Đây cũng là vấn đề của Haniff, vì khi kêu gọi các nước gửi phim tham gia, thì nước chủ nhà cũng phải có những đại diện xứng tầm. Nhưng điều này lại không nằm trong tầm kiểm soát của Haniff mà phụ thuộc hoàn toàn vào thực trạng của nền điện ảnh Việt hiện tại.

Năm nay phim Việt nở rộ về số lượng, rất nhiều phim tư nhân đua nhau ra rạp, nhưng chỉ tập trung sản xuất phim thương mại.

Bộ Tài chính tạm thời đã không cấp kinh phí làm phim đến năm 2017, như vậy, chúng ta sẽ không có phim nhà nước tài trợ trong năm tới. Các nhà làm phim độc lập cũng rất khó khăn để có thêm dự án mới, từ năm ngoái tới năm nay có duy nhất bộ phim dài “Cha và con và”… của đạo diễn Phan Đăng Di.

Đây cũng là phim có thành tích quốc tế tốt nhất trong vòng 2 năm qua, lọt vào hạng mục tranh giải chính thức của LHP Berlin 2015 danh giá, nhưng tiếc là đã không có mặt tại HANIFF.

“Taxi, em tên gì” giành giải phim Việt được khán giả yêu thích nhất.

Phim Việt thiếu vắng những bộ phim nghệ thuật, có ngôn ngữ điện ảnh độc đáo - đối tượng của các LHP quốc tế. Vì thế, việc không giành được những giải thưởng cao tại Haniff cũng là điều dễ hiểu. “Trúng số”, “Taxi, em tên gì” chỉ giành  được giải yêu thích tại HANIFF 2016.

Còn bộ phim ăn khách của đạo diễn Victor “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được ban giám khảo HANIFF 2016 đánh giá cao bởi phần nội dung cảm xúc, chạm đến trái tim người xem, và nhận giải Ghi nhận đặc biệt của Ban Giám khảo.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, kết quả đó là điều dễ hiểu, bởi điện ảnh Việt đang đi vào một lối mòn, từ cách kể chuyện. Trong khi ngay trong khu vực, điện ảnh các nước đã có nhiều khởi sắc, họ mang những giọng điệu mới, cách kể mới, cập nhật kịp thời các xu thế của điện ảnh đương đại.

“Phim Việt không nên đi vào những câu chuyện hoành tráng, tốn kém tiền nhà nước, hãy đi vào những số phận giản dị, những câu chuyện giản dị của đời sống, nhưng gây xúc động và sự ám ảnh về con người, đó là điều mà chúng ta nên hướng tới ở một nền điện ảnh nhỏ và còn nghèo như Việt Nam”, đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ.

Chúng ta đang tụt hậu so với khu vực

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, Haniff sẽ là một sân chơi để điện ảnh Việt cọ xát với các nền điện ảnh trong khu vực, để thấy ta đang ở đâu. Đây cũng là cơ hội để mở rộng sự hợp tác, đầu tư cho điện ảnh của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tại buổi hội thảo về “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên Asean” được tổ chức vào chiều 2-11, các nhà quản lý điện ảnh ở các nước như Singapore, Malaysia, Campuchia đã chia sẻ về chủ trương phát triển điện ảnh ở đất nước họ. Và điều được quan tâm nhiều nhất, đó chính là vấn đề huy động nguồn tài chính cho các dự án phim.

Hầu hết các chính phủ đều không “bao cấp” cho điện ảnh. Họ đều tìm nguồn lực từ tư nhân. Ngay cả nền điện ảnh bé nhỏ như Campuchia, họ cũng có quỹ “Khơ me” để huy động nguồn lực tư nhân hỗ trợ cho điện ảnh. Đặc biệt, Campuchia hướng tới việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến quay phim tại đó.

“Trúng số” giành giải phim dài dự thi được khán giả yêu thích nhất.

“Chính sách văn hóa quốc gia rất chú trọng trong việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Chúng tôi có sự tham gia đóng góp của Ủy ban điện ảnh như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2009, chính phủ đã đầu tư mua một số trang thiết bị kỹ thuật để cung cấp cho các đoàn làm phim”.

Campuchia chỉ có 50 đơn vị sản xuất cả phim tài liệu, truyền hình, ca nhạc… và 25 đơn vị sản xuất phim truyện. Nhưng có những thời điểm, năm 1990 - 1998, họ đã làm 100 phim mỗi năm.

Tuy nhiên, vì nguồn nhân lực yếu nên họ chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, biến Campuchia thành một trong những điểm đến thu hút các đoàn làm phim nước ngoài.

Từ 2014 có 64 phim nước ngoài quay tại Campuchia ở mọi lĩnh vực, đến tháng 9/2016 có 53 dự án phim. “Đó là cách chúng tôi kêu gọi sự hợp tác quốc tế và cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá hình ảnh của đất nước mình ra thế giới, để góp phần phát triển du lịch, văn hóa.

Mỗi năm chúng tôi chỉ sản xuất 5-7 phim truyện, còn lại chủ yếu là phim tài liệu”, ông Pok Borak, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh và Phổ biến văn hóa Campuchia chia sẻ.

Còn ở Singapore, một nền điện ảnh phát triển, mỗi năm cũng chỉ sản xuất 15 phim truyện. Họ có các quỹ đầu tư cho điện ảnh một cách bài bản.

Công ty Aurora Media Capital là một tập đoàn truyền thông chuyên cung cấp những giải pháp tài chính có trụ sở ở Berlin để hỗ trợ các dự án làm phim (cho vay vốn làm phim hoặc hỗ trợ một phần để làm phim).

Chính phủ Singapore cũng hỗ trợ cho các dự án tốt, không hoàn lại, nhưng không đáng kể.

“Các nhà làm phim chủ yếu tìm sự hỗ trợ từ tư nhân, hoặc nhiều đơn vị, tổ chức cùng góp vốn cộng đồng đầu tư cho một dự án phim họ thích. Tất cả đều bằng nguồn lực xã hội hóa”, bà Wei Xuan Sim- Ủy ban Điện ảnh Singapore khẳng định.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giành giải Biểu dương đặc biệt của BGK.

Nếu làm một phép so sánh về những con số thì Việt Nam khá ấn tượng. Năm 2015, Việt Nam có 450 cơ sở điện ảnh được cấp phép để sản xuất phim; có 41 phim truyện, 6 phim video, 53 phim tài liệu và 40 phim hoạt hình.

Hiện tại chúng ta cũng có 138 rạp và cụm rạp, doanh thu từ bán vé 2.300 tỷ (106.000.000 USD). Thị phần phim nội địa chiếm 30%. Đó là những con số khá ấn tượng, nhưng nhìn sâu vào chất lượng, và chủ trương phát triển điện ảnh của nhà nước vẫn là điều đáng bàn.

“Thậm chí chúng ta còn bị tụt hậu so với khu vực một quãng khá xa, khi xem phim của Thái Lan, của Malaysia, của Campuchia, có những bộ phim làm tôi ngạc nhiên, thú vị và xúc động. Họ đã chạm tới nhiều giải thưởng khu vực, thậm chí thế giới, còn chúng ta, có vẻ ồn ào về số lượng đấy, nhưng cái tinh và chất chưa có.

Lâu lắm rồi, tôi không được xem một bộ phim xúc động về số phận con người, đó là điều đáng lo ngại. Hiện tại chúng ta chỉ dựa vào nhà nước, đó là điều không nên. Các nhà làm phim độc lập loay hoay tìm nguồn tài trợ. Nên chăng, nhà nước phải có những cơ chế thoáng hơn về tài trợ để thực sự có những bộ phim hay mang đến cho khán giả hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu tuyên truyền”, đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ.

Xem người để ngẫm đến ta, Haniff cũng là dịp chúng ta soi lại mình, để thấy điện ảnh Việt đang ở đâu trong bản đồ khu vực. Và vì sao điện ảnh Việt vẫn lép vế trong các kỳ Liên hoan phim quốc tế.

Đã đến lúc cần sự khích lệ những gương mặt mới, tài năng của điện ảnh, bởi chính họ, chứ không phải ai khác, sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo điện ảnh trong nước, giúp ta tiệm cận với khu vực, và rộng hơn nữa, ra thế giới.

Các giải thưởng được trao tại HANIFF 2016

- Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc: Phạm Ngọc Lân với Another City

- Giải thưởng BGK (Jury Award) dành cho phim ngắn: Heart of the Land (Phần Lan)

- Phim ngắn xuất sắc: Three Variations of Ofelia (Mexico)

- Giải mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC): The Green Carriage (Nga)

- Nam diễn viên xuất sắc: Christopher Plummer trong Remember (Canada)

- Nữ diễn viên xuất sắc: Hasmine Killip trong Ordinary People (Philippines)

- Đạo diễn xuất sắc: Eduardo Roy, Jr. với Ordinary People (Philippines)

- Phim dài tranh giải được khán giả yêu thích nhất: Trúng số (Việt Nam)

- Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất: Taxi, em tên gì?

- Giải biểu dương đặc biệt của BGK (Special Jury Mention) cho phim dài: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Việt Nam)

- Giải thưởng BGK (Jury Award) dành cho phim dài: One Way Trip (Hàn Quốc)

- Phim dài xuất sắc: Remember (Canada)

Nhóm PVVH
.
.
.