Tiền tỷ đổ vào dâng sao, giải hạn đầu năm: Hiểu đúng, thực hành đúng để không mê tín dị đoan

Chủ Nhật, 12/02/2023, 08:28

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) từng khẳng định nghi lễ dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật nhưng vì sao đến nay, rất nhiều người dân vẫn làm lễ dâng sao giải hạn, vẫn còn hiện tượng mê tín, thu tiền, trục lợi người đến làm lễ đầu năm ở chùa? Làm sao để không còn mê tín, trục lợi ở chốn thiền môn? Chúng tôi đã dịp trao đổi với một số nhà tu hành để làm rõ vấn đề này.

Trao đổi về hiện tượng người dân hiện nay vẫn đến chùa làm lễ dâng sao giải hạn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội cho biết: Nghi lễ cầu an của Phật giáo và dâng sao giải hạn của dân gian đều cầu bình an cho một năm mới của con người. Trong nghi lễ của Đạo giáo có nghi lễ cúng dâng sao, chữ Hán là cúng nhương tinh. Người cúng sao tin rằng mỗi con người một năm có một vì sao bản mệnh chiếu khác nhau. Dâng sao là cầu các vì sao bản mệnh chiếu vào cho tốt đẹp. Nhưng trong kinh điển Phật giáo đều không nhắc đến chuyện này. Tuy nhiên, từ quan niệm của người đi theo Phật giáo cho đến nhân gian đều mong muốn điều tốt đẹp cho con người, mặc dù mỗi nơi có sự hành trì khác nhau.

Hiểu đúng, thực hành đúng để không mê tín dị đoan [bài 3] -0
Cần hiểu đúng về nghi lễ cầu an để không mê tín dị đoan.Ảnh: Quang Vinh.

Khi Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo hòa quyện, ở Việt Nam gọi là tam giáo đồng nguyên thì  có chuyện thờ cúng và lễ lạy ở trong chùa, nhất là ở các ngôi chùa ở phía Bắc. Gần như 100% các ngôi chùa ở phía Bắc ngày xưa đều như thế. Những năm gần đây, vào dịp Tết cổ truyền, GHPG luôn luôn nhắc nhở tăng ni các cơ sở tự viện làm lễ đầu năm cho nhân dân theo đúng chính pháp là tụng kinh, không sử dụng theo ngôn ngữ của quần chúng là dâng sao giải hạn mà dùng thuật ngữ của Phật giáo là lễ cầu an, cầu quốc thái dân an, vì đất nước an thì dân an.

Cũng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, mọi người nên hiểu rõ ý nghĩa của lễ cầu an và tăng ni, phật tử theo Phật nên hành trì theo kinh điển của Phật. Đặc biệt là các thành viên của Giáo hội thì phải tuân thủ chỉ đạo của Trung ương GHPGVN. Dù muốn hay không muốn thì cũng phải dùng nghi thức cầu an của Phật giáo và dùng đúng thuật ngữ là cầu quốc thái dân an. Đối với nhân dân, từ lâu đời vẫn dùng từ dâng sao giải hạn, ngay trong tờ sớ cũng ghi nhờ Phật, thánh giải trừ tai ương hạn ách và cứ nghĩ phải đến chùa nhờ thầy cúng mới được. Việc này các thầy phải giải thích dần dần cho nhân dân để mọi người đi đến thống nhất về lễ cầu an đầu năm. Thời gian tới, tổ chức lễ cầu an hằng năm vẫn phải kiên trì, thực hiện thống nhất theo sự chỉ đạo của Trung ương GHPHVN và có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp Giáo hội…

Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho biết, dâng sao giải hạn không phải nghi lễ Phật giáo nhưng các thầy đã uyển chuyển để hướng dẫn cho các phật tử không vào rơi vào mê tín. Buổi lễ cầu an, chúc phúc đầu năm, các thầy đều có những buổi thuyết giảng và tùy theo sự mong cầu của các phật tử để hướng dẫn các phật tử cùng nhau thực hiện hạnh nguyện, gieo “nhân” như thế nào để gặt được “quả” như mong muốn.

Các thầy hướng dẫn phật tử phát tâm tu hạnh hỷ xả. Người gặp điều không hay không tốt do gieo nhân xấu dở thì thường xuyên thực hành nhìn lại những điều mình sai sót để khắc phục lỗi lầm, sửa đổi để hoàn thiện mình, phát nguyện ở cương vị nào cũng tích cực làm lợi ích cho mọi người… Như vậy, thông qua các buổi giảng trong lễ cầu an, các thầy giúp phật tử hiểu được ý nghĩa của tinh thần buổi lễ mà có thêm được phần lợi ích.

Những người đến chùa làm lễ dâng sao giải hạn bằng lòng tin, trước mắt tin mà chưa biết, tin mà chưa hiểu thì việc tham gia các buổi lễ cũng có giá trị giúp mọi người hướng về nơi Tam bảo, để từ đó các chư đức tăng, ni thuyết giảng, dần dần chuyển lòng tin từ mê tín chuyển thành chánh tín, biết chân chính mà thực hiện, biết tin nhân quả, không còn khổ, lo, buồn, sợ, nặng nề với những được mất hằng ngày, được an tâm ngay lúc đó. Với những người hiểu đúng chánh pháp, buổi lễ cầu an hết sức quý vì lời hứa nguyện đầu năm sẽ giúp cho mọi người có sự định hướng trong năm để phát huy tài năng, tích cực làm những việc tốt, sống với mọi người bằng tâm đại lượng, không cố chấp, không dính mắc, vừa giúp mình bình an, giải tỏa oán kết, thành tựu được tâm nguyện của mình.

Về các hiện tượng biến tướng, trục lợi khi tổ chức dâng sao giải hạn, lễ cầu an, Thượng tọa Thích Tâm Thuần cho biết, đây là vấn đề mà các chư tôn đức trong GHPGVN đã chia sẻ rất nhiều. Các chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN luôn tích cực đi các nơi lan truyền Phật pháp để mọi người hiểu được giá trị thật của Phật pháp, giá trị thật của lễ cầu an, chúc phúc đầu năm...

Cũng theo Thượng tọa Thích Tâm Thuần, hiện nay, các chùa đã có những buổi thuyết giảng nhiều hơn, mê tín dị đoan ở nhiều nơi đã giảm, nhiều phật tử đi hiểu đúng về lễ cầu an hơn, nhưng số người thiếu hiểu biết vẫn còn đông. Mong rằng, thời gian tới, người biết hướng dẫn cho người chưa biết, mọi người cầu an đúng nhưng cần thực hành cho đúng để thành tựu được điều mong mỏi của mình.

Về vấn đề một số cơ sở tự viện tổ chức lễ dâng sao giải hạn, lễ cầu an còn thu tiền của người dân, có hiện tượng trục lợi, Thượng tọa Thích Tâm Thuần cho biết, các thành viên trong Giáo hội phải ngồi lại bàn, xem xét cụ thể mới có lời khuyên phù hợp. Về phía các thầy đều rất trân quý những nơi có thay đổi tốt, lan truyền Phật pháp, đồng thời các thầy sẽ tích cực cùng nhau có những chia sẻ để có những giải pháp hay nhất trong làm Phật sự đúng ý nghĩa.

Xung quanh vấn đề tổ chức dâng sao giải hạn và nhập nhằng giữa dâng sao giải với lễ cầu an đầu năm để trục lợi, từ năm 2019, Trung ương GHPGVN đã có văn bản gửi Ban Trị sự GHPG các tỉnh, thành phố, trong đó khẳng định nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng pháp phương tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương chính pháp. Do đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng chính pháp.

Theo Văn phòng Trung ương GHPGVN, nhiều năm trở lại đây, văn bản hướng dẫn của Trung ương GHPGVN đều ghi là lễ cầu nguyện cầu bình an. Mới đây nhất, trong văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố năm 2023 cũng tiếp tục đề nghị các chùa, cơ sở tự viện, trong quá trình tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an, phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo, phải lưu ý tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc.

Ngọc Nguyễn
.
.
.