Nhà trường hụt học sinh vì nhiều em gác bút lấy chồng

Thứ Hai, 28/03/2022, 07:51

Hơn 5 tháng trước, gia đình chị Lý Thị Lan (34 tuổi, trú tại thôn 2, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã gả chồng cho cô con gái lớn là Lý Thị Dung khi em này vừa tròn 15 tuổi.

Theo lời chị Lan, trong thời gian theo học tại Trường THCS Đắk Nang, Lý Thị Dung có quen biết với một thanh niên người Mông sinh sống tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, cách nơi ở của Dung hơn 100km. Sau khi tìm hiểu, Dung đã quyết định nghỉ học để lập gia đình với nam thanh niên này dù được các thầy cô trong trường khuyên nhủ, can ngăn.

"Do dịch COVID-19, gia đình hai bên không tổ chức đám cưới mà chỉ làm cái lễ nhỏ. Sau khi lấy chồng, tháng 11/2021, con bé đã bỏ học và theo chồng về xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức sinh sống. Thấy con gái còn nhỏ, vợ chồng mình có ngăn cản nhưng không được. Do dịch bệnh và khoảng cách hai nhà xa nhau nên mình cũng chưa sang bên nhà chồng được. Mỗi khi nhớ con, mình chỉ biết gọi điện để hỏi thăm cuộc sống của con gái bên đó như thế nào thôi", chị Lan cho biết.

Trường hợp của Lý Thị Dung không phải là cá biệt ở vùng sâu, vùng xa của xã Đắk Som này. Theo lời thầy Võ Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Nang cho biết, năm học 2021-2022, để phòng, chống dịch COVID-19, trong một thời gian dài, nhà trường đã phải tổ chức dạy học trực tuyến. Trong thời gian này, trường có tới 6 học sinh bỏ học giữa chừng để lập gia đình.

"Hiểu rõ tập tục của đồng bào nơi đây, trước đó, công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đi học, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng được các thầy, cô giáo trong trường thực hiện thường xuyên bằng nhiều giải pháp nhưng không mấy hiệu quả. Chỉ tính riêng từ đầu năm học đến nay, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, đã có 50 học sinh của trường nghỉ học (tăng 30% so với năm học trước, chủ yếu là học sinh lớp 6 và lớp 7). Ngoài lý do các em nghỉ học để phụ giúp việc nhà cho bố mẹ thì một số em đã lập gia đình. Chỉ có trường hợp học sinh nam sau khi kết hôn vẫn đi học tiếp, riêng học sinh nữ thì nghỉ học luôn", thầy Lâm nói.

lay chong (1).jpg -0
Nghỉ học vì dịch bệnh, nhiều học sinh tại xã Đắk Som đã bỏ học lấy chồng. (Ảnh minh họa)

Tương tự, tại Trường THCS Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong), nhiều học sinh cũng đã nghỉ học để lập gia đình. Theo thống kê sơ bộ, trường này đã có hơn 40 em bỏ học, dự báo con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo nhà trường cho biết, chuyện dựng vợ gả chồng sớm là tập tục lạc hậu của người Mông. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ sớm đặt lên vai những đôi vợ chồng trẻ đã khiến các em phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đông con, nghèo đói, thất học, vòng luẩn quẩn ấy cứ đeo bám dai dẳng.

Theo ông Lê Đại Hành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G'long, hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 trường THCS thì đã có hơn 200 em học sinh bỏ học, tập trung chủ yếu ở nhóm học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo ông Hành, do đa số học sinh ở vùng sâu, vùng xa nên việc theo dõi, liên lạc nắm bắt thông tin tình hình học sinh bỏ học giữa nhà trường với phụ huynh và các em hết sức khó khăn. Đặc biệt, có những trường hợp giáo viên không thể liên lạc được với phụ huynh, học sinh thông qua điện thoại, tin nhắn được do thường xuyên vắng nhà đi làm ăn xa.

"Thời gian qua, hàng loạt giải pháp được ngành giáo dục và các trường đặt ra nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Điều căn cơ nhất trong lúc này là phải làm sao ngăn chặn được tình trạng học sinh bỏ học. Đặc biệt, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về luật hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện cho các em trở lại trường lớp học. Tuy nhiên, trường hợp học sinh nghỉ học, kết hôn sớm vẫn diễn ra nhiều năm nay, nhất là trong thời gian học online tại nhà", ông Hành thông tin thêm.

Câu chuyện tảo hôn ở các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông không mới, nhưng việc tảo hôn tăng đột biến chỉ sau một thời gian ngắn như hiện nay đang là thách thức cho ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng của địa phương.

Văn Thành
.
.
.