Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt hiểm hoạ kép

Thứ Bảy, 19/03/2016, 15:52
Việc Trung Quốc tiến hành xả đập Cảnh Hồng để cứu hạn cho các quốc gia hạ lưu sông Mekong được coi là động thái tích cực, chưa từng có trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, người dân đồng bằng sông Cửu Long chớ vội vui mừng bởi lẽ, dung tích đập Cảnh Hồng khá nhỏ, nếu về tới Việt Nam cũng không giải quyết được vấn đề khô hạn.

Trong khi đó, khu vực này lại đối mặt với nguy cơ khác khi Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng các công trình chuyển nước từ dòng Mekong. Nếu điều này xảy ra, đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với hiểm hoạ kép, ngày càng trở nên khô khát.           

Thuỷ điện Cảnh Hồng không thể giải quyết hạn hán 

GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho biết, dung tích đập Cảnh Hồng chỉ là 249 triệu m3, nếu xả liên tục với lưu lượng 2.190 m3/s như thông báo thì chỉ 30 giờ là cạn nước. 

Trong khi đó, Trung Quốc không xả nước cho riêng Việt Nam mà cho cả 5 nước vùng hạ lưu (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam). Các nước trong lưu vực đều đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, trong khi Việt Nam lại nằm ở cuối lưu vực. 

"Trung Quốc nói sẽ xả đập Cảnh Hồng trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, ngay như đập Hoà Bình của Việt Nam, dung tích 9 tỉ m3 trong đó có 4 tỉ m3 có thể xả, nếu thực hiện xả xuống đồng bằng sông Hồng với lưu lượng 2000m3/s thì cũng chỉ 8 ngày đã cạn nước. Chúng ta không nên hi vọng nhiều vào nguồn nước từ đập Cảnh Hồng. Nếu có về tới Việt Nam, lượng nước cũng rất ít, không thể giải quyết hạn hán" – GS Hồng nói.

Đồng bằng sông Cửu Long trải qua đợt hạn mặn lịch sử. (Ảnh minh hoạ). 

TS Đào Trọng Tứ - nguyên  Phó Tổng thư kí Uỷ ban sông Mekong Việt Nam cho biết, Trung Quốc có tới 6 đập trên thượng nguồn sông Mekong với tổng dung tích lên tới hàng chục tỉ m3. Tuy nhiên, rất khó để có thể kiến nghị Trung Quốc xả nước thêm ở các đập khác, ngoài Cảnh Hồng.

"Thực chất không có cơ chế ràng buộc nào để có thể yêu cầu Trung Quốc xả nước, tất cả chỉ có thể dựa vào tinh thần tự nguyện. Khi sử dụng chung nguồn nước từ con sông quốc tế như Mekong, quốc gia này phải có trách nhiệm với quốc gia khác, nhất là một nước lớn như Trung Quốc. 

Ngay lúc này, cần có tiếng nói của Uỷ hội sông Mekong quốc tế, với tư cách là Uỷ ban liên Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tiếng nói của Uỷ hội này quá mờ nhạt" – TS Tứ nhấn mạnh. 

Về vấn đề này, GS Hồng nói thêm: "Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng vì đập này có dung tích phòng lũ, các đập phía trên chủ yếu làm chức năng thuỷ điện, phải tích nước để phát điện. Nếu các nước hạ du yêu cầu, phía Trung Quốc có thể đòi trả tiền, vì xả nước đồng nghĩa giảm sản lượng điện. Hầu hết thuỷ điện ở Trung Quốc do tư nhân đầu tư, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận". 

Thái Lan chuyển nước, đồng bằng sông Cửu Long sẽ khô khát 

Khi cuộc chiến nguồn nước giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, Thái Lan đang lên kế hoạch chuyển nước từ dòng Mekong. Chính phủ nước này dự kiến chi khoảng 1,8 tỉ USD để xây dựng 30 hồ trữ nước và lắp đặt các trạm bơm để hút nước từ dòng Mekong phục vụ cho việc tưới tiêu các vùng khô hạn. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc làm này sẽ gây tác động tiêu cực tới các quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là Việt Nam do nằm ở cuối nguồn. "Cách đây 30 năm, Thái Lan đã có kế hoạch chuyển nước. 

Tuy nhiên, Hiệp định giữa các quốc gia thuộc Uỷ hội sông Mekong đã nêu rõ, các nước sử dụng nước từ dòng chính Mekong đều phải thực hiện tham vấn các quốc gia trong lưu vực trước khi quyết định. Việc chuyển nước ra ngoài lưu vực là việc làm hết sức nguy hiểm, sẽ tạo ra tiền lệ xấu" – TS Tứ phân tích.

Đồng quan điểm, GS Hồng cho biết, không riêng gì Thái Lan mà Campuchia cũng đang có kế hoạch chuyển nước từ Biển Hồ, Tonle Sap lên phía Đông Bắc, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ chuyển nước từ dòng Mekong lên phía Bắc. Nếu các quốc gia trong lưu vực thực hiện chuyển nước thì nước từ phía thượng nguồn sẽ không xuống được đồng bằng sông Cửu Long khiến khu vực này càng khô khát. 

Theo GS Hồng, đây là lúc Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ. Muốn vậy thì phải tính toán được khu vực này cần bao nhiêu nước, từ đó đấu tranh với Uỷ hội sông Mekong để giảm xây thuỷ điện và ngăn các công trình chuyển nước.

Về lâu dài, để xử lí tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng, các giải pháp công trình vẫn là chủ đạo. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn ven biển, các địa phương cần chủ động xây dựng các ao hồ trữ nước ngay từ mùa mưa. 

Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất cũng là giải pháp nhằm giảm thiệt hại. Đối với các vùng thường xuyên nhiễm mặn, các địa phương nên chủ động chuyển từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản.

Khánh Vy
.
.
.