Diện mạo thôn, buôn đã thực sự đổi mới

Thứ Ba, 24/10/2023, 08:14

Sơn Hòa là một trong ba huyện miền núi và cũng là một trong hai cửa ngõ phía Tây tỉnh Phú Yên trên huyết mạch giao thông quốc lộ 25 nối liền với tỉnh Gia Lai.

Huyện Sơn Hòa có 18.092 hộ gia đình gồm 67.376 người cư trú ở 14 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã (Phước Tân, Sơn Hội, Cà Lúi, Sơn Phước, Ea Chà Rang, Krông Pa, Suối Trai) và 38/78 thôn, buôn được xác định là địa bàn đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nay Y BLung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa cho biết, trong số 18.092 hộ gia đình gồm 67.376 người dân, có 5.383 hộ gia đình gồm 22.008 người là dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 39,50% số hộ và 44,29% số người; đông đảo nhất là dân tộc Ê đê, Chăm, Bana chiếm tỷ lệ 90,80%. Những năm qua, Huyện ủy Sơn Hòa thường xuyên chú trọng thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.

1.jpg -0
Ông Ra Lan Thu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa nói về con đường bê tông vừa xây dựng ở xã Suối Trai.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng vững chắc phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, nhân rộng những điển hình, mô hình ANTT hoạt động hiệu quả, tạo thế chủ động bảo đảm ổn định ANTT, không để bị động, bất ngờ, tạo ra “điểm nóng”, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, trong đó có vùng đồng bào DTTS.

Đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đã được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã vào cuộc quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động nên diện mạo KTXH nhiều thôn - buôn ở miền núi huyện Sơn Hòa thật sự đổi mới và phát triển.

Đưa PV Báo CAND đi qua nhiều buôn làng nằm bên các tuyến đường bê tông uốn lượn giữa màu xanh bạt ngàn của cánh đồng mía nối tiếp nương rẫy sắn, ngô và rừng keo, bạch đàn, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa nói đến hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN ở nơi này.

Theo đó, hai nguồn vốn sự nghiệp và đầu tư phát triển được phân bổ gần 139 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023, huyện Sơn Hòa đã triển khai thực hiện gần 10 dự án. Tập trung chủ yếu là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào DTTS…

Đến nay, Sơn Hòa đã đầu tư hơn 8,1 tỷ đồng xây dựng 203 căn nhà cho hộ gia đình nghèo; 186 gia đình được vay hơn 7,4 tỷ đồng để xây dựng nhà; 294 người được vay gần 15,2 tỷ đồng để chuyển đổi nghề nghiệp; đầu tư xây dựng 39 công trình giao thông, 13 trường học, 5 nhà văn hóa, 4 chợ, 6 công trình bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, 8 công trình thủy lợi, 4 công trình điện lực…

Bằng cách nói ví von, ông Sô Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Tân – đia bàn tiếp giáp với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Hơn chục năm về trước, hai cánh đồng Đá Bàn và Gia Trụ đã có kênh mương tưới nước nhưng do già cỗi, thiên tai gây hư hỏng nên hiệu quả sản xuất thấp kém. Nhờ Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS-MN đầu tư tu sửa lại hệ thống thủy lợi nên gần 14ha lúa ở hai cánh đồng bội thu năng suất”.

Diện mạo thôn, buôn đã thực sự đổi mới -0
Cánh đồng buôn Chơ, xã Krông Pa sản xuất mỗi năm hai vụ lúa nhờ đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nguồn nước tưới tự chủ.

Rời xã Krông Pa chúng tôi về xã Suối Trai nhìn thấy ôtô, máy cày, xe máy vận hành trên tuyến đường bê tông uốn lượn qua cánh đồng thôn Thống Nhất vừa mới xây dựng xong từ nguồn đầu tư của Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS-MN. Già làng Ma Tam chia sẻ: “Năm trước, nơi này là con đường đất, nắng thì gập ghềnh mù bụi, mưa thì trơn trượt bùn sình, nhiều máy cày chở lúa, mía đi qua bị sa lầy, phải kêu thêm hai, ba máy cày khác đến hì hục mãi mới kéo lên được. Bây giờ đã có đường giao thông bê tông kiên cố, ôtô, máy cày, xe máy ngược xuôi ngày đêm trong tiết trời mưa nắng đều thuận lợi; lúa, mía, sắn, ngô thu hoạch xong vận chuyển dễ dàng. Nhà nước đầu tư xây dựng con đường này giải quyết được nhiều nhu cầu ở địa phương, bà con đồng bào dân tộc Ê đê, Chăm, Bana ở đây ưng cái bụng lắm”.

“Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, nhưng thời gian tới, UBND huyện Sơn Hòa tập trung chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức trách tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các thôn – buôn khó khăn nhất, giải quyết những nhu cầu cấp bách nhất và ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình nghèo cùng các nhóm DTTS khó khăn nhất…”, lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa chia sẻ thêm.

Hữu Toàn
.
.
.