Đếm ngược thời gian mong ngày về

Thứ Tư, 26/08/2015, 09:13
Chúng tôi có mặt tại Trại giam Quảng Ninh, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8, Bộ Công an) vào những ngày tháng 8…
Cùng với các đơn vị trong tổng cục, những ngày này, Trại giam Quảng Ninh đang tất bật chuẩn bị cho đợt đặc xá nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Niềm vui của cán bộ quản giáo hòa chung với sự thấp thỏm, chờ đợi và cả hy vọng của các phạm nhân đang cải tạo ở nơi đây.

“Không vui sao được khi thành quả vun, trồng của mình đã được đền đáp một cách xứng đáng”, Trung tá Phạm Tiến Dũng, Phó giám thị Trại giam Quảng Ninh chia sẻ với chúng tôi. Anh tự ví công việc của người quản giáo như một người trồng vườn, muốn có những mùa quả bội thu phải một nắng hai sương… Việc giáo dục, cải tạo phạm nhân cũng vậy, đòi hỏi sự tâm huyết và tấm lòng của mỗi cán bộ quản giáo. Ngoài việc phải thực hiện đúng chế độ, chính sách, mỗi cán bộ quản giáo phải như một người thầy, người anh.

Trại giam Quảng Ninh quản lý các phạm nhân đều là nam giới, với các mức án khác nhau, cao nhất là chung thân. Đối tượng phạm tội cũng có đủ thành phần, song nhiều nhất vẫn là án liên quan đến ma túy, không ít đối tượng mang trong người căn bệnh thế kỷ… Ngay từ những ngày đầu phạm nhân vào trại, các cán bộ quản giáo Trại giam Quảng Ninh đã gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh riêng của các can phạm nhân. Họ có thể là một tên trùm trong đường dây mua bán ma túy, cũng có khi là một kẻ giết người máu lạnh hay một cán bộ Nhà nước không may sa lầy…

Có kẻ mái tóc còn xanh, có người tóc đã bạc. Ngoài việc thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư của các phạm nhân, cán bộ quản giáo Trại giam Quảng Ninh còn thường xuyên tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người thành tâm hối cải. Hằng tháng, việc bình xét thi đua được tiến hành trong các phân trại… Qua bình xét, 12% tổng số phạm nhân có kết quả tốt, đây là một con số khá ấn tượng, ghi nhận sự nỗ lực của cán bộ Trại giam Quảng Ninh. 

Các phạm nhân đang lao động tại Trại giam Quảng Ninh.

Trung tá Dũng cho biết: Trong dịp xét đề nghị đặc xá này, Ban giám thị đã tổ chức tuyên truyền đến từng cán bộ, chiến sỹ; thân nhân đến thăm, gặp và các phạm nhân đang cải tạo tại đây… Trên cơ sở các tiêu chí đã đưa ra, các đội phạm nhân tự bình xét, phát hiện những người có đủ tiêu chuẩn được xét đặc xá; rồi tự bình bầu. Danh sách được chuyển đến hội đồng xét đặc xá ở đơn vị, không để phạm nhân nào bị thiệt thòi cũng như không đưa vào danh sách những người không có đủ điều kiện.

Trong dịp công tác tại Trại giam Quảng Ninh, chúng tôi đã được gặp một số phạm nhân được đề nghị xét đặc xá trong dịp này, trong số đó có phạm nhân Đặng Quang Bân (51 tuổi, ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Vừa vui mừng, vừa thấp thỏm lo âu, Bân bảo với chúng tôi rằng nếu được ra trại trước thời hạn, niềm mong mỏi của anh là được gặp hai cậu con trai. Mấy năm qua, Bân không được gặp con…

Chẳng phải vì chúng nó không đến thăm Bân mà vì anh không muốn gặp con trai trong tình cảnh trớ trêu này. Trước khi vào trại, Bân từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Móng Cái… rồi sau đó là Giám đốc khách sạn Phương Đông thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên đặt tại tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, không theo dõi, kiểm tra số liệu thép đã nhập, bán và số lượng còn tồn trong thực tế nên dẫn đến thiếu hụt, thất thoát tài sản của Công ty Gang thép Thái Nguyên trên 2,3 tỷ đồng.

Từ một vị giám đốc oai vệ, bỗng chốc trở thành bị can trong vụ án… rồi lại trải qua nhiều phiên tòa kéo dài, Bân không khỏi suy sụp. Chính trong những ngày ấy, sự động viên, khích lệ của các cán bộ Trại giam Quảng Ninh giúp Bân dần lấy lại thăng bằng, yên tâm cải tạo và luôn được xếp loại khá. Từ hôm cán bộ quản giáo yêu cầu lên viết bản cam kết… và biết mình có tên trong danh sách các phạm nhân được đề nghị xét đặc xá, Bân lâng lâng cảm xúc...

Tâm trạng của Bân cũng là suy nghĩ của rất nhiều phạm nhân được đề nghị xét đặc xá tại Trại giam Quảng Ninh trong dịp này. Những ngày lang thang ngoài xã hội, Nguyễn Văn Trưởng (SN 1990, trú tại An Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng), đối tượng bị bắt giữ về hành vi mua bán người, lao vào các cuộc chơi với các bậc đàn anh, đàn chị…

Nhưng khi Trưởng bị bắt vào trại giam chỉ có người mẹ già nay đã sức cùng, lực kiệt và người chị gái hằng tháng lặn lội vào thăm. Nhìn mái tóc mẹ ngày càng bạc thêm và những giọt nước mắt tủi hờn lăn trên gò má chai sạn mỗi lần vào thăm con, Trưởng thấy mình có lỗi thật nhiều. Đã có lúc, vì chán nản Trưởng định buông trôi tất cả. Trưởng cũng ngỗ ngược, phá phách và không chấp hành kỷ luật của trại…

Những ngày gần gũi, cán bộ Trại giam Quảng Ninh nắm bắt được tâm tư của Trưởng rồi động viên, chia sẻ.  Sau khi được phân tích, Trưởng dần hiểu rõ hành vi sai phạm của mình và bắt đầu yên tâm cải tạo. Gặp chúng tôi, Trưởng ngậm ngùi: "Biết em có tên trong danh sách đặc xá đợt này, mẹ em vui lắm. Nếu được ra trại lần này, em sẽ tu chí làm ăn để không phụ lòng các cán bộ quản giáo và người mẹ thân yêu của mình…".

Càng gần đến ngày đặc xá, trong lòng các cán bộ Trại giam Quảng Ninh và các phạm nhân được đề nghị xét đặc xá đều chộn rộn những cảm giác khó diễn tả bằng lời. Niềm vui của các phạm nhân được đề nghị xét đặc xá cũng là hạnh phúc của những cán bộ làm công tác cải tạo phạm nhân.

Mỗi cán bộ Trại giam Quảng Ninh đều tin tưởng và hy vọng rằng, những phạm nhân này sẽ tìm được lối đi, trở thành người có ích cho xã hội.

Xuân Mai
.
.
.