Để người dân yên tâm với trái cây Việt Nam

Thứ Ba, 17/05/2016, 08:33
Thông tin người dân và thương lái buôn hoa quả ở các tỉnh Đông Nam Bộ và tỉnh Đắk Lắk ngâm trái cây (chuối, mít, đu đủ, sầu riêng) vào một loại chất có tên là ethephon để thúc chín… trước khi đưa đi tiêu thụ và vội vã cho rằng chất có độc đối với sức khỏe của con người, đã khiến người tiêu dùng e dè với trái cây nội.

Thực trạng này khiến lĩnh vực trồng trọt và chế biến trái cây ở những vùng trọng điểm phía Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phản bác lại thông tin trên, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp khẳng định đây là thông tin sai lầm và cần hiểu đúng các chất gây độc cho con người đến từ các nguyên nhân khác như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá chất vô cơ.

Từ lâu, các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi ethephon trong ngành trồng trọt (cả trong và bảo quản sau thu hoạch) để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, đảm bảo cho quá trình chế biến, phân phối sau đó.

Trái cây nội được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, trước đây nhà nông thường dùng đất đèn để rấm chín trái cây. Đất đèn gặp nước sẽ sản sinh khí acetylen giúp trái cây mau chín. Nhưng trong đất đèn có chứa arsenic và phosphorus là chất độc, khi gặp nước đất đèn tạo mùi hôi khó chịu, dễ cháy, nổ. Đất đèn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt… Do đó, đất đèn đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia.

Nhưng cần phân biệt với việc sử dụng ethylene trong thúc chín, bảo quản trái cây bởi một số tổ chức quốc tế đã khuyến cáo không cần phải tiến hành các nghiên cứu về độc tính của ethylene. Đến nay cũng không có một điều luật nào nghiêm cấm việc sử dụng ethylen trong thúc chín hay bảo quản trái cây.

Hiện nay việc sản xuất trái cây theo kiểu công nghiệp và xử lý, bảo quản trái cây sau thu hoạch chưa được thực hiện trên diện rộng. Đa phần trái cây chưa được xử lý nên tỷ lệ hư hỏng rất cao, thậm chí có nơi, có loại trái bị hỏng lên đến 25%. Chỉ số ít các doanh nghiệp xuất khẩu là có điều kiện bảo quản tốt, sử dụng hóa chất xử lý trái cây ở các công đoạn sau thu hoạch. Việc xử lý bằng ethephon có thể kéo dài thời gian bảo quản lên đến hàng tháng, hàng năm nhưng trái cây không bị hư.

Ứng phó với tin đồn thất thiệt trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Nai Nguyễn Công Tú cũng đã lên tiếng rằng, thông tin trái mít sử dụng thuốc “cực độc” ép chín là không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận và làm thiệt hại lớn cho người trồng mít trên địa bàn. Loại hóa chất mà một số nông dân, thương lái sử dụng làm trái mít nhanh chín là hoạt chất ethephon. Chất này được cấp phép sử dụng phun xịt cho một số loại cây trồng để kích thích ra hoa, đậu trái.

Cùng quan điểm trên, bà Trương Thị Thành, Trưởng phòng kỹ thuật - Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cũng khẳng định: Theo danh mục thuốc BVTV thì hoạt chất ethephon thuộc nhóm 4 - nhóm khuyến cáo nguy hiểm.

Nhưng đây lại là một hormon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín của cây trồng và nông sản. Khi phun vào cây, quả, ethephon xâm nhập vào tế bào, bị nước có trong tế bào phân hủy thành etylen và bay hơi. Ethephon không liên kết chặt chẽ trong mô cây trồng, nó có thể được loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa.

Chất này nếu vào cơ thể con người với liều lượng mỗi ngày không vượt quá 0,05 mg/kg cân nặng là an toàn. Việc trên cũng chứng tỏ một điều, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã tiến hành theo dõi và đánh giá khá rõ ràng với các chất kích thích chín trái và bảo quản trái hiện nay.

Từ thực trạng trên, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho rằng, đối với hóa chất làm chín trái cây, khi sử dụng phải tuân thủ các điều kiện như thu hoạch trái cây phải đạt độ chín công nghiệp hay chín sinh lý, tránh thu hoạch non. Việc này giúp dàng dễ vận chuyển đến nơi bảo quản, tiêu thụ và khi xử lý trái chín công nghiệp sẽ không làm thay đổi nhiều chất lượng trái so với trái cây chín tự nhiên. Nhà vườn cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc BVTV trong quá trình canh tác.

Thuốc phải được Cục BVTV cho phép, sử dụng đúng nồng độ, liều lượng được hướng dẫn trên bao bì. Tuyệt đối tránh dùng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhãn mác, không rõ chất phụ gia… đồng thời phải bảo đảm thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc. Việc bảo quản trái cây cần tránh sử dụng hóa chất diệt nấm bệnh, đặc biệt là thuốc lưu dẫn, thuốc thuộc nhóm độc, phân hủy chậm.

Các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ với nông dân để hướng dẫn họ sản xuất trái cây theo quy trình an toàn, qua đó kiểm soát chặt việc lưu hành thuốc BVTV. Còn theo cách làm của TP Hồ Chí Minh là kiểm soát chuỗi sản xuất để hạn chế tình trạng thương lái sử dụng hóa chất trôi nổi xử lý trái cây.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không DN nào có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất hàng loạt, nhất là với các loại trái khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối… nên việc sử dụng chất thúc chín, chất bảo quản là tất yếu.

Vấn đề là cần sử dụng những chất được phép và tuân thủ ở ngưỡng giới hạn. TS khoa học Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học nhiệt đới cho rằng, với hoạt động chế biến trái cây dạng công nghiệp, hiện có rất nhiều phương pháp bảo quản trái cây không dùng hóa chất như bảo quản trong điều kiện lạnh, thay đổi thành phần không khí, xử lý bằng hơi nước nóng, chiếu xạ, bao bọc bằng màng sinh học, xử lý bằng chất chitosan…

Phương pháp rấm chín bằng ethephon không gây độc. Sử dụng khí ethylen được giải phóng từ ethrel hoặc ethephon là cách an toàn nhất. Nhưng quá trình rấm công nghiệp phải được tiến hành trong phòng kín với diện tích và liều lượng xác định để tránh lượng tồn dư trên trái cây.

Đức Thắng
.
.
.