Chuyên gia nói về “thuốc đặc trị” nạn bạo hành trẻ em

Thứ Hai, 11/12/2017, 17:50
Tình trạng bạo hành trẻ em đang diễn biến phức tạp. Hành vi bạo hành đối với trẻ không chỉ để lại nỗi đau về thể xác, mà còn khiến trẻ bị sang chấn tinh thần, tâm lý. Sự học, tương lai của trẻ theo đó bị ảnh hưởng. Bạo hành gây ra hậu quả gì và “thuốc đặc trị” ra sao? PV Báo CAND đã tìm hiểu về vấn đề này.


Vụ “ô sin” Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn, 58 tuổi) đánh đập, quăng quật cháu bé gần 2 tháng tuổi ở TP Phủ Lý (Hà Nam); vụ bạo hành trẻ ở Trường Mầm non Tư thục Mầm Xanh ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) gây bất bình dư luận vẫn còn đó, thì mới đây, ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội xuất hiện một vụ bạo hành chính con đẻ của mình.

Trần Hoài Nam, 34 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cùng người vợ hai bạo hành chính con đẻ mình là cháu Trần G.K (SN 2008). Khi sự việc bị phát giác, cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra, xử lý. Khi đến ngôi nhà ông bà ngoại cháu K trên phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) – nơi cháu K đang ở, nhìn những vết thương chằng chịt trên khuôn mặt cũng như ở vùng đầu K, chúng tôi không thể kìm lòng.

Người xưa có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con” với hàm ý, con hổ có hung dữ đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không ăn thịt, tấn công con mình. Nhưng, có ai ngờ, Trần Hoài Nam lại bạo hành chính con đẻ mình – cháu K trong một thời gian dài ở khu trọ thuộc Tổ dân phố số 2, phường Nghĩa Đô.

PV Báo CAND (bên trái) thăm hỏi, tặng quà tới cháu K bị chính bố đẻ bạo hành ở phường Nghĩa Đô.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ bạo hành trẻ em trong thời gian qua, nhưng thực tế cho thấy, số vụ bạo hành trẻ em đang có chiều hướng phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm. Trẻ em là mầm xanh tương lai của đất nước, trẻ em cần được sống trong tình yêu thương của người thân và xã hội.

Luật Trẻ em 2016 đã có những quy định rất cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ. Theo đó nghiêm cấm các hành vi: “Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em v.v...”.

Cùng với đó, Luật Trẻ em 2016 đã nêu rõ: “Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm: a) Trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại; b) Chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em…”. Quy định là thế, vậy nhưng, những vụ bạo hành, xâm hại và ngược đãi trẻ em vẫn diễn biến phức tạp.

Bạo hành trẻ em đi qua, nỗi đau dai dẳng để lại. Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tỏ ra lo ngại trước những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian ngắn trở lại đây.

Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, bạo hành gây ra nhiều hậu quả. Song dưới góc độ tâm lý học, bạo hành trẻ em nó giống như một vết thương tinh thần để lại cho trẻ. Hành vi bạo hành sẽ khiến trẻ rụt rè, luôn coi người xung quanh, sự kiện xung quanh là “nguồn”, là sự kiện nguy hiểm. Ở đây, trẻ không còn cảm thấy an toàn khi sống trong môi trường ấy. Khi trẻ bị bạo hành, trẻ thường mang tâm lý tự ti, nghĩ mình không có giá trị gì trong cuộc sống.

Đặc biệt, đối với những trường hợp có hành vi bạo hành với trẻ là người thân trong gia đình như: bố, mẹ…, lòng tự trọng của trẻ lại càng bị tổn thương, sẽ làm cho trẻ có suy nghĩ “xung quanh mình không có ai tốt cả, vì đến người thân nhất của mình – cha, mẹ… còn có hành vi xấu – hành vi bạo hành nữa là!”. Bên cạnh đó, khi trẻ bị bạo hành, việc học tập, tương lai của trẻ theo đó bị ảnh hưởng.

Và rồi, khi lớn lên, những trẻ bị bạo hành này thường có tâm lý lo âm, trầm cảm. Thậm chí, có những trẻ khi không tìm được lối thoát khỏi sự bạo hành còn có những hành động tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bản thân. Chưa hết, việc bố, mẹ hoặc người thân có hành vi bạo hành với trẻ, hậu quả lâu dài, hành vi đó còn trở thành tấm gương cho trẻ học và noi theo. Và rồi, khi trẻ lớn lên, trở thành bố - mẹ cũng sẽ lại bạo hành với con mình. Đây chính là hành vi bạo hành theo kiểu… di truyền.

Chia sẻ về giải pháp hạn chế nạn bạo hành trẻ em, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, hiện pháp luật đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi trẻ em, nhưng dường như công tác tuyên truyền những nội dung này tới người dân chưa thực sự đem lại hiệu quả. Nhiều gia đình còn có suy nghĩ “con tôi, tôi dạy”, “yêu con cho roi, cho vọt – ghét con cho ngọt, cho bùi” nên vẫn thường dạy con theo kiểu… bạo lực.

Thế nên các tổ chức đoàn thể, xã hội cần trang bị các kiến thức, kỹ năng - ứng xử văn hóa trong gia đình cho các bậc làm cha, làm mẹ, giúp các gia đình nhận thức rõ hơn về hệ lụy đi kèm với hành vi bạo hành trẻ em; không vì giữ sĩ diện cho dòng họ mà bao che, không tố giác, phản ánh hành vi bạo hành trẻ em của người thân tới các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các tổ dân phố, thôn – xóm khi thấy hành vi bạo hành trẻ em xảy ra phải tố giác, đấu tranh lên án thay vì tổ chức hòa giải, bởi việc hòa giải đơn thuần sẽ góp phần khiến hành vi bạo hành trở nên lén lút, kín đáo hơn. Cùng quan điểm trên, thầy Nguyễn Thế Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình – Hà Nội) nhấn mạnh, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em theo quy định của pháp luật, do đây là hành vi thể hiện sự nhận thức chưa đầy đủ về cách ứng xử, giáo dục đối với trẻ nên trước hết, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, để những ai đang có suy nghĩ, hành vi bạo lực đối với trẻ thay đổi nhận thức, nói không với “bạo hành trẻ em”.

Thứ đến, các địa phương cần tổ chức hiệu quả hơn nữa các hoạt động xã hội, đoàn thể - văn hóa có lồng ghép nội dung phản ánh hậu quả của hành vi bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em. Qua đó tạo “làn sóng” lên án mạnh mẽ từ cộng đồng dân cư đối với hành vi này.

Trần Huy
.
.
.