Xúc động nghĩa tình của người lính mặt trận Vị Xuyên

Thứ Sáu, 27/07/2018, 18:28

Tháng 7, từng đoàn xe đưa các cựu chiến binh nối nhau tìm về Vị Xuyên, tìm về những dãy núi đá nơi biên cương đã gắn bó như máu thịt. Đứng trên điểm cao 468, những người lính năm xưa ngước lên dãy núi phía trước rưng rưng, nhiều đồng đội của họ còn đang đâu đó chốn linh thiêng này, thân thể hoà vào cây rừng, núi đá, vào đất trời biên cương. Nước mắt đồng đội hoà trong câu hát như lời mời gọi thiết tha: “Về đây đồng đội ơi!”.




Những người lính không trở về

Tối 26-7, Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đón những người lính năm xưa về tụ họp để cùng nhớ về đồng đội đã hy sinh. Chương trình nghệ thuật “Hát về anh người chiến sỹ biên cương” do Tỉnh đoàn phối hợp với Ban liên lạc hội bạn chiến đấu mặt trận Vị Xuyên tổ chức như nén tâm nhang tri ân những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Biên cương tươi đẹp cũng là nơi hàng ngàn thanh niên tuổi đôi mươi đã để lại tuổi xuân, chiến đấu với tinh thần “một tấc đất không lùi”.

Cán bộ nhân dân Hà Giang và các cựu chiến binh dâng hương tưởng nhớ liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên

Nghĩa trang Vị Xuyên trong đêm lung linh với hàng nghìn ngọn nến và hương khói lan toả. Các cựu chiến binh rưng rưng xúc động đi từng hàng mộ thắp hương cho đồng đội. Nhiều người lại để các anh được trở về, day dứt lắm! Con gái liệt sỹ Nguyễn Văn Khê (quê ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) từ TP Hồ Chí Minh vượt ngàn cây số đến đây, nghẹn ngào trong vòng tay đồng đội của cha. Liệt sỹ Nguyễn Văn Khê ra đi khi con gái mới được vài tháng tuổi. Hơn 30 năm trước, những người vợ, người mẹ, người con phải dằn lòng chia tay người thân lên đường ra chiến trận mà không hẹn ngày về.

Sáng sớm 27-7, các cựu chiến binh và thân nhân liệt sỹ của mặt trận Vị Xuyên đã vượt ngầm, leo lên con đường đất đỏ trơn trượt đến điểm cao 468 (ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên). Đứng trong khuôn viên Nhà thờ liệt sỹ trên đài hương 468, nhìn mây mù bao phủ trên đỉnh, sườn núi, những người lính năm xưa thốt lên: “Giống khói pháo năm xưa kìa!”. Người khác nói: “Cây cối giờ rậm rạp rồi, ngày xưa vùng này làm gì có cây nào mọc được”… Ký ức về cuộc chiến đấu oanh liệt giành lại từng tấc đất biên cương tái hiện dần qua lời kể của các cựu chiến binh. Người chỉ tay: “Hầm cũ của tao ở chỗ kia, tao leo lên đấy rồi”, anh lính khác cũng bồi hồi “ngày xưa mình chốt ở đỉnh 772 này”, “tôi nằm tít sau quả núi này”…

Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên

Cũng ở chính mặt trận này tạo nên những địa danh huyền thoại như “thác âm phủ”, “suối gọi hồn”, “cửa tử Vị Xuyên”… Gian khổ, ác liệt là vậy nhưng chiến sỹ mặt trận Vị Xuyên vẫn “một tấc không đi, một li không rời”, nhiều đồng chí bị thương nhưng kiên quyết không rời trận địa, xin được băng bó để tiếp tục chiến đấu, viết lên thành chiến hào lời nguyền quyết tâm đấu tranh đến cùng bảo vệ biên giới Tổ quốc. Và những chiến sỹ ấy hôm nay hội tụ về đây để tưởng nhớ đến một thời tuổi trẻ kiên cường giữ nước, để thắp nén nhang cho đồng đội năm xưa nằm xuống cho cây rừng mãi xanh tươi.

Các cựu chiến binh của mặt trận Vị Xuyên tưởng nhớ đồng đội trước Nhà thờ liệt sỹ  tại cao điểm 468


Chuyện xúc động ở điểm cao 468

Hướng lên dãy núi phía trước, Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 sao vàng điểm danh những địa danh đã trở thành huyền thoại trong cuộc chiến khốc liệt: “Đây là cửa tử bình độ 1.100, kia là “lò vôi thế kỷ”, “cối xay thịt 685”, tha ma xác giặc, thác âm phủ, suối gọi hồn…”.

Lễ Bàn giao Nhà thờ liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên của các CCB cho tỉnh Hà Giang

Rồi ông xúc động: “Mặt trận Vị Xuyên là một trong những mặt trận ác liệt nhất trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Mỗi lần về đây chúng tôi rất xúc động. Anh em đồng đội còn nằm ở đây nhiều lắm. Thế nên chúng tôi muốn làm một ngôi nhà chung cho anh em có chỗ đi về. Vậy là đền thờ liệt sỹ nằm trên cao điểm 468 được xây dựng từ ý tưởng đó với sự đóng góp của anh em cựu chiến binh, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cựu chiến binh Nguyễn Công Chiến ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 sao vàng”.

Ông Nguyễn Công Chiến chia sẻ: “Trong hàng ngàn liệt sỹ đã hy sinh tại đây, Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên đã quy tập được hơn 1.000 hài cốt, còn biết bao đồng chí, đồng đội vẫn chưa được đưa về khiến chúng tôi luôn đau đáu và day dứt. Mỗi lần về lại Vị Xuyên, tôi và những đồng đội may mắn lành lặn đi qua cuộc chiến đều như sống lại không khí hào hùng năm xưa. Nhưng hơn hết là khôn nguôi tưởng nhớ về đồng đội…”.


Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 sao vàng ôn lại kỷ niệm chiến đấu bảo vệ biên cương.
Nỗi nhớ thương ấy đã thôi thúc những người lính năm xưa góp công, góp sức xây dựng nơi thờ các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468. Cứ tháng 7 hàng năm, vào ngày giỗ trận 12-7 và ngày thương binh liệt sỹ 27-7, các anh lại về đây tụ họp, tưởng nhớ chiến trường xưa, trận đánh xưa, đồng đội xưa… Khu đền thờ anh hùng liệt sỹ Vị Xuyên đã hoàn thiện với nhiều hạng mục và được bàn giao lại cho tỉnh Hà Giang trông nom, quản lý vào đúng ngày 27-7 năm nay.

Đâu đó ngoài kia, bên những khe núi, triền đồi, vong linh những người lính có lẽ cũng yên lòng khi được sum họp với đồng đội dưới một mái nhà chung. Tại lễ bàn giao đền thờ liệt sỹ, Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã cảm ơn các cựu chiến binh Ban liên lạc bạn chiến đấu mặt trận Vị Xuyên đã dành công sức xây dựng một di tích đầy ý nghĩa này. Đây không chỉ là nơi để đồng đội tụ họp về thắp hương cho nhau mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Cũng như nhiều lần trước, ông Nguyễn Công Chiến cất công mang đầy đủ “quân trang” đến phục vụ anh em. Sau lễ dâng hương trên Đài hương 468, các cựu chiến binh í ới gọi nhau: “Anh em ơi! Chuyển “quân trang” cho đồng đội đi!”… Đồng đội của nhau năm nào giờ tóc đã bạc, ôm quần áo, giầy, mũ gắn sao vàng mang ra hướng núi, hoá gửi cho người đang yên nghỉ trong những ngọn núi xanh thẳm. Dù chưa được trở về trang trọng trong nghĩa trang liệt sỹ, nhưng có lẽ các anh đã yên lòng, bởi trong trái tim mỗi người lính được trở về, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, các anh vẫn luôn sống mãi cùng đất nước.


Việt Hà
.
.
.