Xuất hiện chiêu mới sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Thứ Tư, 09/12/2015, 09:09
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu quá số lượng Salbutamol so với giấy phép được cấp. Đồng thời, đã xuất hiện mánh khoé mới sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, liên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu quá số lượng Salbutamol so với giấy phép được cấp. Đồng thời, đã xuất hiện mánh khoé mới sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Trong tháng 11, lực lượng Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng C49 (Bộ Công an) đã lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi (TACN) của một số công ty nghi vấn để phân tích. Kết quả cho thấy, có 23 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, trong đó 16 mẫu là vượt ngưỡng.

Thanh tra Bộ NN&PTNT đang phối hợp với C49 xác lập hồ sơ để xử lý và điều tra mở rộng nơi cung cấp. Ngoài ra, qua công tác thanh tra đột xuất, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng TACN có dấu hiệu sử dụng chất cấm tại các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. 

Theo ông Dũng, đã xác định được 2 công ty có sử dụng Salbutamol là Công ty TNHH TACN Trường Phú (Hải Dương) và Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang).  Hai công ty này còn bị bắt quả tang đang sử dụng chất vàng ô và chất tạo màu công nghiệp Auramine  trong sản xuất TACN.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn biến phức tạp.

Toàn bộ sản phẩm hàng hóa vi phạm đã được Thanh tra Bộ NN&PTNT niêm phong và đang xử lý theo đúng quy định pháp luật.  “Đặc biệt, quá trình điều tra nguồn cung cấp Salbutamol, Thanh tra Bộ NN&PTNT và C49 đã xác định và đang điều tra làm rõ một công ty dược có hành vi buôn bán 5 tạ chất Salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng”, ông Dũng cung cấp thông tin. Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã phát hiện hành vi vi phạm mới trong sử dụng chất cấm.

Cụ thể, hiện tượng công ty thức ăn chăn nuôi bán sản phẩm có kèm một túi bột màu trắng cho người chăn nuôi. Qua kiểm tra cho thấy đây chính là Salbutamol có hàm lượng rất cao, gấp 100 lần mức cho phép thông thường. Nếu người chăn nuôi thiếu cảnh giác hoặc cố tình sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Qua một thời gian ngắn sử dụng đường dây nóng của Thanh tra Bộ NN&PTNT mở  khuyến khích người dân tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trung bình mỗi ngày, đã có khoảng 20 thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trên cả nước báo về, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều trong số đó đã cung cấp những thông tin quan trọng và có giá trị trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngày 26-11, nhận được thông tin phản ánh về việc một số trang trại chăn nuôi tập trung tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Nội có hiện tượng một công ty TACN bán sản phẩm có kèm theo túi bột màu trắng, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thanh tra đột xuất và lấy mẫu để phân tích tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh, ở xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức. Kết quả kiểm định cho thấy, chất bột màu trắng có chứa Salbutamol là 4.845 ppb.

Theo thông tin bước đầu, người cung cấp gói bột màu trắng có chứa chất cấm là Hoàng Kim Cường, ở Thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. Hiện cơ quan Công an huyện và C49 tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm. Ngoài ra, đầu tháng 12, đoàn thanh tra cũng thanh tra đột xuất trang trại của ông Nguyễn Văn Quý ở Thành Tân, Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Nội).

Chủ trang trại này đã cho biết, nhập 20 bao cám từ một đại lý và cũng được đưa 1 gói bột màu trắng giới thiệu là “Men tiêu hóa” trọng lượng 0,7kg. Hiện, Đoàn kiểm tra đã mang gói bột “Men tiêu hóa” đi phân tích. Như vậy, rất có khả năng, thay vì trộn sẵn chất cấm vào cám dễ bị phát hiện, các đại lý bán TACN đã tuồn riêng cho người chăn nuôi các gói bột lạ để họ tự trộn.

“Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan Công an điều tra làm rõ có phải công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng mánh khóe đó để người chăn nuôi cho lợn ăn tăng trọng nhanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hiện nay ở huyện Hoài Đức, Ba Vì (Hà Nội) nếu không có chất cấm, giá mua lợn là 47-48 nghìn đồng/kg, nếu có chất cấm mua 49-50 nghìn đồng/kg, cao hơn 2-3 giá cho nên nhiều người lóa mắt vì đồng tiền mà vẫn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Lần này chúng tôi đã bắt được quả tang”, ông Dũng cho biết.

Bộ NN&PTNT đã quyết định thưởng nóng cho người cung cấp tin 2 triệu đồng và có văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức có phần thưởng xứng đáng cho người dám đứng ra đấu tranh với những vi phạm này, đồng thời mức thưởng cho người phát giác, cung cấp thông tin có thể lên mức 50 triệu đồng.

Nhận định về tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, mặc dù cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng  đã tuyên truyền bấy lâu nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng vì lợi nhuận. Hiện nay, mức độ xử phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Qua công tác thanh tra, nhiều địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, ngại khó khăn.  Thanh tra Bộ NN&PTNT kiến nghị, cơ quan quản lý địa phương phải nhanh chóng thống kê các tổ chức, cá nhân để phổ biến quy định của Nhà nước về chất cấm, buộc ký cam kết không sản xuất, kinh doanh và sử dụng TACN có chất cấm. Trước đó, Cục Quản lý dược cũng kiến nghị với Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol.

Ngọc Yến
.
.
.