Xử phạt một hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm “trộn” hoá chất phụ gia độc hại

Thứ Ba, 19/04/2016, 11:11
Ngày 19-4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, một hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm qui định về ATVSTP đã bị xử phạt 8,5 triệu đồng. Đây là hộ kinh doanh của bà Trần Thị Thu Thảo (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) vi phạm nhiều quy định về sản xuất kinh doanh thực phẩm. 


Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác của Sở Y tế đã ghi nhận tại hộ kinh doanh của bà Thảo không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm theo quy định.

Ngoài ra, cơ sở cũng hoàn toàn bỏ việc giữ gìn, bảo quản, phương tiện bảo quản thực phẩm theo qui trình qui định trong SX, chế biến thực phẩm. Sản xuất thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Một cơ sở SX, chế biến lạp xưởng trộn hoá chất phụ gia không rõ nguồn gốc được lực lượng PC49 Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện.

Qua kiểm tra phát hiện, Bà Thu Thảo sản xuất, chế biến sản phẩm đậu Hà Lan, bắp non có sử dụng phẩm màu Tartrazine, sản phẩm đậu Hà Lan sử dụng phẩm màu Brilliant Blue, chất bảo quản Sodium Benzoat. Theo đó Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xử phạt hộ kinh doanh này 8,5 triệu đồng.

Theo các nhà chuyên môn Y tế, phẩm màu chỉ làm tăng cảm quan và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng, nhưng nếu sử dụng quá mức sẽ không tốt cho sức khỏe. Như phẩm màu tartrazine, theo các nhà chuyên môn, nếu hấp thụ vào cơ thể một lượng quá ngưỡng cho phép có thể có tác động xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ, phẩm màu tartrazine còn có liên quan với bệnh hen suyễn, gây phát ban da và đau nửa đầu. Một số nước trên thế giới hiện đã cấm sử dụng chất này. Còn phẩm màu brilliant blue có thể gây ra một số dị ứng ở một số người.

Chế biến thực phẩm sử dụng hoá chất phụ gia bừa bãi sẽ trở thành chất độc hại khôn lường cho cơ thể con người

Điều đáng lo ngại là người tiêu dùng chỉ nhận biết các loại phẩm màu được sử dụng trong thực phẩm thông qua các thông tin khai báo trên bao bì. Tuy nhiên, đối với một số thực phẩm không bao bì như heo quay, vịt quay, bánh kẹo, mứt truyền thống… thì không thể nhận biết loại phẩm màu đã sử dụng mà vì lợi nhuận, các chủ cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không quan tâm tới sức khoẻ của cộng đồng đã cố tình phối trộn vào.

H.Nga
.
.
.