"Thần chết" rình rập, bám đuổi Việt Nam hơn 40 năm

Thứ Tư, 29/03/2017, 10:50
Dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những mất mát đau thương vẫn chưa dừng lại. Để khắc phục xong hoàn toàn hậu quả bom mìn có lẽ cần tới hàng trăm năm.


Theo con số được công bố tại cuộc họp báo chiều 28- 3 về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Bộ LĐ- TB&XH tổ chức thì chỉ tính ở một số tỉnh miền Trung đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Con số ấy nói lên rằng, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những mất mát đau thương vẫn chưa dừng lại.

Bao giờ Việt Nam có thể khắc phục xong hoàn toàn hậu quả bom mìn sau chiến tranh? Có thể vài chục năm, nhưng cũng có thể phải mất hàng trăm năm nữa.

Nỗi đau nối dài

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia rà phá bom mìn Việt Nam thì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới.

Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu hécta, chiếm gần 20% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.

Từ năm 1975 đến nay, số bom mìn tồn phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Theo Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15 triệu 350 nghìn tấn (trong đó có 7,850 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất).

Tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% lượng bom đạn đã sử dụng (tài liệu nước ngoài là 10%).

Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ được xác định là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Nỗi đau bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn chưa chấm dứt.

Có thể mất hàng trăm năm nữa

Công tác rà phá bom mìn, khắc phục và hỗ trợ nạn nhân trong những năm qua đã được triển khai tích cực.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng này, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, thực tế con số này cũng vẫn còn rất khiếm tốn.

Theo số liệu của Hội Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thì trong những năm qua, Hội đã nỗ lực tuyên truyền về việc khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân ở nhiều địa phương như: Hà Giang, Quảng Bình, Quản Trị sinh kế để ổn định cuộc sống, như hỗ trợ bò, hỗ trợ nông cụ sản suất...

Sau hơn 2 năm Hội đi vào hoạt động, số được hỗ trợ mới chỉ được 317 nạn nhân. Theo ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ- TB&XH) thì đối với những nạn nhân bom mìn, nếu thương tật nặng đều được hỗ trợ 100% các chính sách xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ sinh kế.

“Cái khó nhất hiện nay đó là việc, nguồn lực kinh phí bố trí cho các chương trình trợ giúp còn hạn chế. Đây chính là lý do việc triển khai các chương trình này chưa được rộng rãi”, ông Tô Đức nói

Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia rà phá bom mìn Việt Nam, thì trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2013, Việt Nam đã bỏ ra gần 14 nghìn tỷ đồng để rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh thì nguồn lực đó là chưa đủ và vượt quá khả năng.

“Từ năm 2013 đến nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia rà phá bom mìn Việt Nam được thành lập, công tác rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả, hỗ trợ nạn nhân đã có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn lực của chúng ta quá yếu, chủ yếu là nguồn lực trong nước, trong khi Việt Nam là nước có môi trường ô nhiễm lớn, số nạn nhân nhiều. Bên cạnh đó, việc khắc phục hậu quả còn chậm là do tư duy xã hội như ý thức phòng trách, nhận biết bom mìn của người dân còn yếu, từ đó nguy cơ tai nạn tăng lên”, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Đề cập đến việc bao giờ Việt Nam có thể khắc phục xong hậu quả bom mìn, Đại tá Lê Xuân Khắc, Phó Chính ủy Binh chủng Công binh cho biết, việc khắc phục hậu quả bom mìn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đại tá Lê Xuân Khắc đánh giá, việc hạn chế nhận thức về bom mìn không chỉ ở phía người dân, mà còn ở ngay cả các cấp chính quyền sở tại là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến những khó khăn này. Bên cạnh đó, việc rà phá bom mìn ở Việt Nam còn khó khăn hơn do địa hình, khí hậu rất khó rà phá, dò tìm, đặc biệt ở những vùng có nước biển.

“Với nguồn lực của chúng ta đang có như hiện nay thì lực lượng trực tiếp rà phá như công binh chúng tôi hiện nay cũng không thể trả lời được bao lâu nữa có thể khắc phục xong. Có thể sớm, nhưng cũng có thể phải mất 200, 300 năm nữa”, Đại tá Lê Xuân Khắc nói.

Phan Hoạt
.
.
.