WHO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống tác hại do rượu bia

Thứ Năm, 09/08/2018, 09:29
WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong công tác phòng chống và kiểm soát tác hại do sử dụng rượu bia tại Việt Nam nhằm góp phần nâng cao sức khỏe và anh sinh của người dân.

“Trong thời gian qua, Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã đồng hành cùng Bộ Y tế trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, mong muốn luật sớm được ban hành với những quy định hiệu quả để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang vấp phải sự cản trở từ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia, nhóm lợi ích và cả những quan chức của một số bộ ngành”. Đây là thông tin được bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết vào ngày 7-8.

Trước tình hình này, Liên minh NCDs đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng thời cũng tiến hành các hoạt động truyền thông hỗ trợ nhằm đề nghị xem xét giữ nguyên một số điều khoản trong Dự thảo Luật do Bộ Y tế soạn thảo và sớm ban hành Luật.

Để ủng hộ cho Việt Nam trong việc hạn chế tác hại của rượu bia, TS.Shin Young-soo, Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi Việt Nam có hành động mạnh mẽ để giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.

TS.Shin Young-soo cho rằng, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức về y tế công cộng, đặc biệt là vấn đề già hóa dân số nhanh chóng và gánh nặng bệnh tật lớn do các bệnh không lây nhiễm (NCD) gây ra – hiện đã chiếm khoảng 73% tổng số trường hợp tử vong tại Việt Nam. 

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm, TNGT và bạo lực.

Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là nguy cơ chính gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm này, đồng thời, là một nguyên nhân gây tai nạn giao thông, bạo lực và thương tích.

“Tiêu thụ rượu bia của người dân Việt Nam đứng ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. WHO ước tính trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi) năm 2016 – cùng mức với Thái Lan. 

Các nước khác trong khu vực tiêu thụ ở mức thấp hơn nhiều, ví dụ: Mông cổ 7,4L, Trung quốc 7,2L, Campuchia 6,7L, Philippines 6,6L và Singapore 2L. Tiêu thụ rượu bia cũng tăng nhanh chóng. Trong số nam giới có uống rượu bia, mức tiêu thụ đã tăng 15% vào năm 2015 so với 2010.

Hơn nữa, sử dụng rượu bia ở mức nguy hại còn gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế và xã hội cho quốc gia và người dân. Sử dụng rượu bia chịu trách nhiệm cho khoảng 79.000 trường hợp tử vong tại Việt Nam năm 2016. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn người khác phải điều trị do những bệnh do sử dụng rượu bia gây nên. 

WHO ước tính hậu quả về mặt xã hội do sử dụng rượu bia gây ra tại Việt Nam là khoảng 1,3% đến 3,3% tổng thu nhập trong nước (GDP).” - TS.Shin Young-soo nhấn mạnh

Nhằm bảo vệ người dân và xã hội khỏi tác động tiêu cực do sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, việc sản xuất, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị và tiêu thụ rượu bia cần được pháp luật điều chỉnh một cách chặt chẽ. 

Hiện nay, Việt Nam đã có một số quy định chủ yếu về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, tuy nhiên việc thực thi còn hạn chế. Việt Nam cần có một khung pháp luật tổng thể nhằm ngăn ngừa tác hại do sử dụng rượu bia - một khoảng trống lớn về pháp luật hiện nay.

WHO khuyến nghị Việt Nam thực thi những chính sách hiệu quả đã được khẳng định gồm: Chính sách về giá đối với rượu bia và đồ uống có cồn khác. Bằng chứng cho thấy tăng giá rượu bia mang lại hiệu quả trong việc giảm tiêu thụ rượu bia ở mức có hại đối với người đang sử dụng nói chung, đặc biệt là giới trẻ.

Số trường hợp tử vong do sử dụng rượu bia cũng giảm; hạn chế sự sẵn có của rượu bia bằng chính sách, bao gồm việc điều tiết mật độ điểm bán rượu bia thông qua việc cấp phép chặt chẽ; hạn chế thời gian được bán rượu bia; quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác. 

Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ: Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ: Giới trẻ bị tiếp xúc với quảng cáo rượu bia có nhiều khả năng bắt đầu uống rượu bia hoặc uống nhiều hơn. Một quy định kiểm soát hoặc cấm việc quảng cáo rượu bia có thể làm giảm mức tiêu thụ, đặc biệt là ở giới trẻ, góp phần giảm tai nạn giao thông và bạo lực.

Theo một ước tính của WHO năm 2018, mỗi đô la đầu tư cho việc thực hiện các chiến lược hiệu quả nêu trên, lợi ích thu lại là 9,13 đô la. Đầu tư cho việc thực hiện các chiến lược phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu bia sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội.

TS.Shin Young-soo đề nghị Thủ tướng ủng hộ xúc tiến việc trình Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia lên Quốc hội cho đợt xem xét lần đầu vào tháng 10 - 2018. 

Các điều khoản được đề xuất trong dự thảo luật đều dựa trên kiến thức khoa học, bằng chứng về các biện pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu bia và những khuyến cáo nêu trên của WHO.

Việc thông qua và thực thi thành công dự luật này sẽ góp phần giảm đáng kể gánh nặng về sức khỏe và kinh tế do sử dụng rượu bia gây nên cho người dân Việt Nam hiện tại và những thế hệ tương lai. 

Luật cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết thực thi mục tiêu phát triển bền vững số 3.5 nhằm giảm 10% tỉ lệ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại vào năm 2030.

WHO cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong công tác phòng chống và kiểm soát tác hại do sử dụng rượu bia tại Việt Nam nhằm góp phần nâng cao sức khỏe và anh sinh của người dân.

Thanh Hằng
.
.
.